Ba mươi năm lăn lộn tác nghiệp với bão lũ miền Trung, tôi chưa thấy có trận bão nào kỳ dị như bão số 9 Molave. Đó là sự quần thảo dai dẳng đến lỳ lợm với cường độ bão rất mạnh, tới lui, chà xát, xoay vòng đủ mọi chiều hướng, thời gian đổ bộ đất liền kéo dài hàng chục tiếng đồng hồ, sức tàn phá trải đều suốt hàng chục tỉnh, thành Trung Trung bộ. Cảm giác trận bão như một quái thú có rất nhiều đầu, nhiều vòi, mà mỗi đầu mỗi vòi đều như một tâm bão thực sự giữ nguyên năng lượng tàn phá từ đầu đến cuối.
Đến như người ở huyện miền núi Nam Đông ở Thừa Thiên - Huế hôm qua cũng phải thốt lên với phóng viên Tiền Phong rằng, chưa bao giờ trên địa bàn lại có trận bão rất mạnh, quần thảo từ sáng đến chiều tối như vậy. Trận bão Xangsane hồi 2006 đã kéo lui sự phát triển kinh tế xã hội của huyện này tới 15 năm. Nhưng mức độ thiệt hại do bão Molave lần này còn lớn hơn, dù không có mất mát về người.
Molave là tên một thị trấn nhỏ nằm phía đông tỉnh Zamboanga del Sur, thuộc bán đảo Zamboanga của Philippines. Molave cũng là tên của một loại cây thân gỗ rất cứng, vững chãi trước mọi dông bão - loài cây biểu tượng cho tinh thần tranh đấu giành độc lập suốt nhiều thế kỷ qua của dân tộc này. “Molave, bị nhổ bật rễ và bóp nghẹt sẽ không khuất phục/ Molave bị dồn ép sẽ không thể giam cầm”. Thi sĩ nổi tiếng của Philippines Rafael Zulueta da Costa (1915-1990) từ năm 1940 của thế kỷ trước đã viết như vậy, trong thi phẩm “Like the Molave” (Như Molave).
Còn giờ đây, cơn bão mang tên Molave trước khi đổ bộ vào Việt Nam, đã kịp tàn phá ghê gớm chính quê hương của loại cây cứng cỏi này.
Nhớ lại, đầu tháng 11/2013, trận đại cuồng phong Hải Yến (Haiyan) giật cấp 17 sức gió tới 379km/h lúc gần đâm thẳng vào miền Trung, đến phút chót đã tự bẻ hướng ngoặt ra biển. Nếu không có sự may mắn thần kỳ ấy, tâm bão Đà Nẵng không biết sẽ ra sao, khi cấp độ bão tại Việt Nam cao nhất cũng chỉ nhỉnh hơn cấp 13.
Nhưng không có sự may mắn nào đối với người dân đảo quốc Philippines. Trận bão chết chóc Haiyan đã giết chết ít nhất 6.300 người dân nước này!
Ít ngày sau đó, tại Hội nghị Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 19) diễn ra tại Warsaw (Ban Lan), có một người đàn ông Philippines đơn độc tuyệt thực trong nước mắt suốt thời gian diễn ra hội nghị. Người đàn ông tuyệt vọng đó là Naderev Yeb Sano - Trưởng phái đoàn Philippines tại hội nghị. Ông khóc vì bất lực, và đơn độc. Bởi tiếng nói của những quốc gia bé nhỏ đã không thể đến tai nhiều cường quốc và những ông chủ lớn vì quyền lợi ích kỷ đã tảng lờ việc thực thi Công ước, khiến thiên tai tiếp tục giết hàng vạn người mỗi lúc. “Nếu không phải chúng ta thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì bao giờ? Nếu không phải ở Warsaw thì ở đâu? Sao chúng ta không chấm dứt sự điên rồ ấy ngay tại đây?”, Yeb Sano cay đắng hỏi trong nước mắt.
Câu hỏi khắc khoải ấy, những giọt nước mắt đau đớn ấy, cũng là của chung đại đa số nhân loại trên hành tinh này. Ngay lúc này.
Siêu bão Molave có thể sẽ khiến thay đổi thêm nhiều quan niệm trước đó của giới chuyên gia khí tượng về thiên tai. Nhưng liệu nó có đủ sức lay chuyển thái độ và cách ứng xử với môi trường, thiên nhiên của nhiều nước lớn và những tập đoàn, tài phiệt mà lợi nhuận là trên hết?
Điều mà những thân cây Molave dù cứng cỏi, gan góc đến bao nhiêu cũng không thể chống chọi nổi.