Cả 3 bệnh viện điều trị SXH đều quá tải
Theo báo cáo, các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh Nhiệt đới - là những đơn vị tiếp nhận điều trị SXH và các bệnh truyền nhiễm khác - hiện đều trong tình trạng quá tải rất cao so với các thời điểm khác trong năm.
Hiện trung bình mỗi ngày có trên 7.000 lượt bệnh đến khám tại các bệnh viện nhi, bình thường chỉ khoảng 5.000 bệnh nhi/ngày. Phần lớn bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về, nhiều ca nặng. Về tử vong do SXH đến thời điểm này, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận có 8 ca, Nhi đồng 2 có 6 ca, cũng chủ yếu rơi vào bệnh nhi tuyến tỉnh.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến nay, thành phố có 10.624 ca mắc SXH, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thành phố có 5 trường hợp tử vong, đặc biệt trong 5 ca tử vong đã có 3 ca là người lớn.
Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phải kê thêm bàn khám, thực hiện khám vào cả giờ nghỉ, kê thêm giường ở hành lang… Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện khám sàng lọc ngay tại khoa khám bệnh, chỉ những bệnh nhi nào cần thiết mới nhập viện.
Ông Phạm Chương (ngụ phường Cô Giang, quận 1, TPHCM) - đang chăm sóc con tại Khoa SXH của Bệnh viện Nhi đồng 1 nói cả 2 con gái của ông đều mắc bệnh và lần lượt phải nhập viện. Cháu lớn 12 tuổi mắc bệnh cách đây 3 tuần, phải vào điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. “Mới hôm thứ sáu rồi (2/10) lại đến đứa em (10 tuổi) bị nữa. Tôi đưa cháu vào khám tại Nhi đồng 1 vì đông quá nên bác sĩ cho về nhà theo dõi, nhưng sáng 5/10 thấy không ổn nên phải nhập viện”, ông Chương cho biết.
Bơ phờ khi có con 11 tháng tuổi cũng mắc SXH nằm chung phòng với con gái ông Chương, một phụ huynh ở quận 6 cho biết, vào đêm 4/10, tại đây có đến 5 bệnh nhi phải chia nhau 2 giường bệnh được kê sát nhau. Dù sao các bệnh nhi này cũng còn có chỗ để ngả lưng, nhiều phụ huynh do hết chỗ nên phải ra hành lang để nằm. Hành lang các khoa ở Bệnh viện Nhi đồng 1 trong những ngày qua cũng quá tải do lượng phụ huynh và bệnh nhân gia tăng gấp đôi.
Bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh- Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi Đồng 1 cho biết trong vòng một tháng qua lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng rất nhanh. Nếu tháng 8 mỗi ngày chỉ có khoảng 5.200 bệnh nhi khám và điều trị ngoại trú thì trong tháng 9 số lượng bệnh đã tăng lên hơn 6.200 ca mỗi ngày. Trong khi đó, lượng bệnh nhi nội trú trong sáng 5/10 tại đây lên gần 2.100 trường hợp trong khi toàn bệnh viện chỉ có 1.400 giường thực kê. “Do trong phòng bệnh quá tải, bệnh nhân tràn ra hành lang nên bệnh viện phải che chắn nắng gió bằng mái che tạm để hạn chế sự tác động của môi trường ảnh hưởng xấu đến việc điều trị”- bác sĩ Minh cho hay.
Phạt công trình xây dựng vì “nuôi” muỗi
Trước đó, sáng cùng ngày, Cục Y tế dự phòng đã phối hợp với Viện Pasteur TPHCM, Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng thành phố kiểm tra “điểm nóng” về SXH là quận Tân Phú, TPHCM. Khảo sát 5 điểm, gồm 2 khu dân cư, 1 công trình xây dựng, 1 trường học và 1 doanh nghiệp, đoàn công tác đều ghi nhận sự xem nhẹ việc phòng chống dịch. Phần lớn các ca bệnh, ổ dịch xảy ra tại các khu vực có công trình xây dựng.
Ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM - cho biết, một số quận huyện tại thành phố đã áp dụng Nghị định 176 tiến hành xử phạt 750 nghìn - 1,5 triệu đồng đối với 6 công trình xây dựng, doanh nghiệp sản xuất tại hai quận Bình Thạnh và Tân Phú vì không thực hiện những hướng dẫn về vệ sinh môi trường trong phòng chống dịch, “nuôi” muỗi, lăng quăng.
Sắp vào đỉnh dịch thứ hai của tay chân miệng
Không chỉ SXH tiếp tục tăng, bệnh tay chân miệng cũng đã tăng đột biến ngay giai đoạn này. Cụ thể, đến cuối tháng 9, mỗi tuần ghi nhận đến 300 ca nhập viện vì tay chân miệng, tăng hơn 3 lần so với các tuần của tháng trước. Tại BV Nhi đồng 2, các bệnh tay chân miệng, hô hấp cũng tăng cao. Đáng lưu ý, theo bác sĩ Lê Thị Bích Liên - Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, theo quy luật, bệnh tay chân miệng có 2 đỉnh dịch trong năm. “Một đỉnh rơi vào tháng 4, 5 hàng năm và đỉnh thứ hai rơi vào khoảng tháng 9 đến tháng 11. Cộng với yếu tố mùa mưa, SXH cũng sẽ bùng phát”, bà Liên cho biết.