'Quả cầu' hóa thạch 1 tỷ năm tuổi, sinh vật đa bào đầu tiên trên Trái đất?

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà khoa học nghiên cứu hóa thạch 3D qua kính hiển vi.
Các nhà khoa học nghiên cứu hóa thạch 3D qua kính hiển vi.
TPO - Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một hóa thạch cực nhỏ, hình cầu, dường như là sinh vật đa bào vốn là những sinh vật sống đầu tiên trên Trái đất.

Hóa thạch sinh vật đa bào lâu đời nhất thế giới

Hóa thạch hình cầu chứa hai loại tế bào khác nhau: tế bào tròn, xếp chặt chẽ với thành tế bào rất mỏng ở tâm cầu, và một lớp tế bào hình xúc xích bên ngoài bao quanh có thành dày hơn. Các nhà nghiên cứu cho biết, chúng ước tính là 1 tỷ năm tuổi. Đây có thể là hóa thạch lâu đời nhất được biết đến của một sinh vật đa bào.

Sự sống trên Trái đất được nhiều người chấp nhận là đã tiến hóa từ các dạng đơn bào xuất hiện trong các đại dương nguyên thủy. Tuy nhiên, hóa thạch này được tìm thấy trong trầm tích từ đáy của nơi từng là một hồ nước ở Tây Bắc Scotland. Các nhà khoa học cho biết, khám phá này cung cấp một cái nhìn mới về các con đường tiến hóa hình thành nên sự sống đa bào.

Ngày nay, bằng chứng còn lại rất ít về các sinh vật sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch vi mô ước tính khoảng 3,5 tỷ năm tuổi được cho là hóa thạch lâu đời nhất của sự sống trên Trái đất.

Các loại hóa thạch khác có liên quan đến vi khuẩn cổ đại thậm chí còn lâu đời hơn: Các gợn sóng trầm tích ở Greenland có niên đại 3,7 tỷ năm trước, và các ống hematit ở Canada có niên đại từ 3,77 tỷ đến 4,29 tỷ năm trước.

Hóa thạch của loài tảo lâu đời nhất được biết đến , tổ tiên của tất cả các loài thực vật trên Trái đất, khoảng 1 tỷ năm tuổi, và dấu hiệu lâu đời nhất của sự sống động vật, dấu vết hóa học liên quan đến bọt biển cổ đại, ít nhất là 635 triệu và có thể nhiều nhất là 660 triệu năm.

Tác giả chính của nghiên cứu này Paul Strother, giáo sư nghiên cứu tại Khoa Trái đất và Khoa học Môi trường tại Đài quan sát Weston của Đại học Boston, Mỹ cho biết: “ Chúng tôi lấy chúng và cắt chúng bằng cưa kim cương và tạo ra các phần mỏng từ chúng, mài các lát mỏng đủ để ánh sáng chiếu qua - để sau đó có thể nghiên cứu hóa thạch 3D dưới kính hiển vi.”

Đa bào và bí ẩn

Trong hóa thạch B. brasieri , có đường kính khoảng 0,03 mm, các nhà khoa học đã nhìn thấy thứ mà họ chưa từng thấy trước đây: bằng chứng từ mẫu hóa thạch đánh dấu sự chuyển đổi từ cuộc sống đơn bào sang sinh vật đa bào. Hai loại tế bào ở B. brasieri khác nhau không chỉ về hình dạng mà còn về cách thức và vị trí chúng được tổ chức trong "cơ thể" của sinh vật.

GS Strother cho biết: “Đó là thứ không tồn tại trong các sinh vật đơn bào bình thường. Mức độ phức tạp về cấu trúc là thứ mà chúng ta thường liên kết với tính đa bào phức tạp, chẳng hạn như ở động vật.”

Người ta vẫn chưa biết B. brasieri đại diện cho dòng đa bào nào , nhưng các tế bào hình cầu không có vách cứng nên có lẽ nó không phải là một loại tảo, theo nghiên cứu.

Trên thực tế, hình dạng và tổ chức của các tế bào này phù hợp hơn với nguồn gốc holozon. Holozoa là một nhóm bao gồm động vật đa bào và sinh vật đơn bào là họ hàng gần nhất của động vật.

Địa điểm Cao nguyên Scotland - trước đây là một hồ cổ - nơi các nhà khoa học tìm thấy B. brasieri đã cho thấy một mảnh ghép hấp dẫn khác về quá trình tiến hóa ban đầu.

GS Strother giải thích rằng các dạng sống lâu đời nhất trên Trái đất thường được cho là xuất hiện từ đại dương vì hầu hết các hóa thạch cổ đại được lưu giữ trong trầm tích biển.

Do đó, B. brasieri là một manh mối quan trọng cho thấy các hệ sinh thái hồ cổ đại có thể cũng quan trọng như đại dương đối với sự tiến hóa ban đầu của sự sống.

Các đại dương cung cấp cho các sinh vật một môi trường tương đối ổn định, trong khi các hệ sinh thái nước ngọt dễ bị thay đổi nghiêm trọng về nhiệt độ và độ kiềm, những biến đổi như vậy có thể thúc đẩy quá trình tiến hóa ở các hồ nước ngọt khi sự sống phức tạp hơn trên Trái đất ở giai đoạn sơ khai.

Theo Live Science
MỚI - NÓNG