Quả bóng lạm thu sang sân các địa phương

Quả bóng lạm thu sang sân các địa phương
TP - Trong số 13 cử tri có câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về chín mảng nội dung thì có ba cử tri đề cập vấn đề lạm thu.

> Những câu hỏi nóng về giáo dục

Hà Nội quán triệt kiểm tra việc thu, chi đầu năm học
Hà Nội quán triệt kiểm tra việc thu, chi đầu năm học.

Trả lời các đại biểu bằng văn bản, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, UBND tỉnh/thành là cấp có nhiệm vụ quản lý việc thu, chi học phí, lệ phí và các khoản thu hợp pháp khác của các cơ sở giáo dục.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt chất vấn: Cử tri TPHCM (và các thành phố lớn) rất bức xúc vấn đề lạm thu tiền trường vẫn còn phổ biến và có chiều hướng tăng thêm nhiều khoản thu mới, trong đó có những khoản thu vô lý. Kính đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này, biện pháp xử lý, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Các đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cũng đặt vấn đề tương tự. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm thì cho biết, lạm thu là tình trạng đã diễn ra nhiều năm nay. Còn đại biểu Trần Minh Diệu thì phản ánh, cử tri của nhiều địa phương đã nhiều lần kiến nghị đề xuất nhưng vẫn chưa được khắc phục hạn chế.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Theo phân cấp quản lý, UBND các tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ về phát triển giáo dục, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiệm vụ quản lý, kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục; có nhiệm vụ quản lý việc thu, chi học phí, lệ phí và các khoản thu hợp pháp khác của các cơ sở giáo dục và huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục địa phương.

Về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, bộ này đã ban hành, phối hợp với các bộ, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chủ động phối hợp với các địa phương trong việc quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước và các khoản thu hợp pháp khác đối với các cơ sở giáo dục; thực hiện xã hội hóa giáo dục...

Hằng năm, chuẩn bị cho năm học mới, Bộ GD&ĐT đều có văn bản gửi Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố hướng dẫn các nhiệm vụ cần triển khai, trong đó có nhiệm vụ tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các khoản thu, chi tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bộ cũng có văn bản gửi UBND các địa phương đề nghị phối hợp, tăng cường các biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, trong thời gian qua, tại một số cơ sở giáo dục (nhất là ở các thành phố lớn) vẫn có tình trạng tự ý thu thêm một số khoản tiền của người học, sử dụng tiền thu không đúng mục đích... gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và xã hội.

Ngay từ đầu năm học 2011-2012, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND các sở, ban, ngành liên quan của các thành phố HCM, Hà Nội, Hải Phòng để trao đổi, bàn bạc về thực trạng và thống nhất quan điểm, giải pháp nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng lạm thu tại các thành phố này.

Trong các văn bản trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng ở địa phương nào có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền thì nơi đó không xảy ra tình trạng lạm thu, hoặc nếu đã xảy ra lạm thu thì cũng nhanh chóng được khắc phục. Đà Nẵng và Hà Nội là những ví dụ được nêu gương khi Bộ trưởng đề cập luận điểm này.

Ở Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, quán triệt và kiểm tra các nhà trường trong việc thu, chi đầu năm học, do vậy nhiều trường đã trả lại phụ huynh các khoản thu sai quy định, văn bản trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu.

Về giải pháp, Bộ trưởng nêu ra 3 đầu việc bộ đã, đang làm và một kiến nghị đối với UBND các tỉnh/thành. Bộ trưởng cho biết, bộ đang soạn thảo dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh (thay thế Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28-3-2008), trong đó sẽ quy định cụ thể và rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của ban đại diện cha mẹ học sinh và các khoản thu mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được vận động quyên góp.

Dự kiến, thông tư sẽ được ban hành trong tháng 12-2011. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, việc chính quyền địa phương các cấp quan tâm bố trí đủ kinh phí chi thường xuyên, đảm bảo cơ cấu tối đa 80% chi lương và các khoản có tính chất lương và tối thiểu 20% để chi giảng dạy, học tập và quản lý nhà trường theo quy định cũng là một giải pháp ngăn chặn lạm thu.

Trong số 9 mảng nội dung mà các đại biểu Quốc hội gửi câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng có khá nhiều nội dung tập trung cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông: Chất lượng giáo dục phổ thông; vấn đề “chạy” trường; dạy thêm học thêm; thu chi đầu năm học; thiếu trường mầm non công lập; nâng cao chất lượng giáo dục ở các tỉnh miền núi. Đây cũng là những vấn đề được nhiều đại biểu cùng hỏi.

Trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận hiện tượng mà các đại biểu nêu là có thật, ngay cả vấn đề “chạy” trường dù không phổ biến trên toàn quốc do chỉ diễn ra ở một vài thành phố lớn nhưng vẫn gây những bức xúc trong dư luận xã hội.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG