Vừa hoàn tất những nét vẽ cuối cùng trong bức tranh chân dung Tổng thống Vladimir Putin, họa sĩ Mohammed Karim Nihaya vừa bày tỏ hy vọng Nga sẽ nhanh chóng triển khai các chiến dịch tiêu diệt IS ở Iraq.
Cách đây vài tháng, cũng như nhiều người dân Iraq khác, ông Nihaya vô cùng lo lắng về những diễn biến ở Syria, nơi Nhà nước Hồi giáo (IS) đang chiếm ưu thế trước quân đội chính quyền. IS tuyên bố sẽ mở rộng vùng chiếm đóng, thiết lập "đế chế" tại Iraq và Syria.
Tuy nhiên, sau khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích, niềm tin đã trở lại với người dân Iraq. "Nga thu được kết quả đáng kể chỉ trong hơn một tuần không kích trong khi Mỹ và đồng minh đã ném bom suốt hơn một năm mà không hiệu quả", AFP dẫn lời ông Nihaya nói.
Nga bắt đầu không kích IS ở Syria từ ngày 30/9. Mỹ và đồng minh cho rằng mục tiêu chính của Nga là tiêu diệt và làm suy yếu lực lượng nổi dậy chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad, không phải phiến quân khủng bố. Tuy nhiên người Iraq, đặc biệt là những người Hồi giáo dòng Shiite, hoàn toàn tin tưởng vào chiến dịch của Moscow. Họ coi Nga, quốc gia hỗ trợ Syria và Iran những năm qua, là một người bạn tự nhiên hơn là Mỹ, quốc gia tham chiến tại Iraq trong 8 năm.
"Chúng tôi không mong chờ một liên minh quốc tế nào cả. Chúng tôi chỉ muốn Nga hành động. Khi họ đến, chúng tôi sẽ giết cừu để chào đón", Mohamed, một thanh niên thất nghiệp, nói.
Thần tượng Putin
Những bức tranh chân dung Putin với gương mặt cương nghị và lạnh lùng xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Iraq. Nhiều người gọi ông là công dân danh dự của Iraq. Thậm chí, họ còn truyền tai câu chuyện vui rằng tên gọi của tổng thống Nga chứng minh ông có nguồn gốc Iraq.
Theo câu chuyện đùa này, cha của Tổng thống Putin là người Hồi giáo dòng Shiite, làm nghề buôn bán tạp hóa. Ông đưa quả sung tây vào Iraq trong thời gian đi buôn. Loại quả này có phiên âm tiếng Arab là "tin" và từ đó ông được mọi người gọi là "Abu Tin".
Sau Thế Chiến II, cha của Tổng thống Putin đến Liên Xô rồi kết hôn với một phụ nữ Nga tóc vàng, sinh con trai và đặt tên là Abdelamir. Tuy nhiên tên này rất khó phát âm và theo thời gian bạn bè, người thân đã gọi ông là Vladimir.
Trên mạng xã hội nhiều người Iraq lấy ảnh tổng thống Nga làm hình đại diện.
"Chúng tôi sẽ coi Putin là người Iraq bởi vì ông ấy yêu chúng tôi hơn lãnh đạo của chúng tôi", Mohammed al-Bahadli, một sinh viên tại thành phố Najaf, thủ phủ của người Hồi giáo dòng Shiite, cho biết
"IS tấn công chúng tôi bởi chúng coi chúng tôi là 'rafidha' (rác rưởi). Trong khi đó, ông Putin là người Chính thống giáo lại bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn ông. Nhờ ông mà chúng tôi có niềm tin ở lại Iraq", Saad Abdallah, một tiểu thương Iraq, bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Putin.