Từ ngày 19 - 21/4, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) đã diễn ra Kỳ họp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS) năm 2016.
Tham dự kỳ họp có trên 1.000 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các vùng lãnh thổ, các tổ chức Liên Chính phủ và Phi Chính phủ.
Đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Thượng tướng, TS. Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn tham dự kỳ họp.
Tại Phiên họp toàn thể Đại Hội đồng Liên hợp quốc, đồng chí Lê Quý Vương, Trưởng đoàn Việt Nam có bài phát biểu nêu bật chủ trương, chính sách cũng như thành tựu của Việt Nam trong công tác phòng, chống ma túy.
Trong thời gian qua, nhận thức rõ tính phức tạp và hậu quả nghiêm trọng do ma túy gây ra đối với sức khỏe con người, đời sống xã hội và sự phát triển lành mạnh của mỗi quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực triển khai nhiều chính sách và biện pháp một cách toàn diện, đồng bộ và cân bằng nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hiểm họa do ma túy gây ra.
Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng các chiến lược và các chương trình dài hạn, trung hạn, ngắn hạn về phòng, chống ma túy, phù hợp với 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy. Từ năm 2000, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật phòng, chống ma túy, được bổ sung sửa đổi năm 2008; chiến lược quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Việt Nam cũng đã thành lập một ủy ban quốc gia về phòng chống ma túy từ gần hai mươi năm nay để bảo đảm công tác phối hợp liên ngành đạt hiệu quả cao nhất. Năm 2013, Quốc hội Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp mới với một chương trình riêng về quyền con người và hiện nay nhiều dự thảo luật quan trọng đang được sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới để phù hợp với Hiến pháp 2013.
Việt Nam cho rằng các khuôn khổ kiểm soát ma túy toàn cầu hiện nay được quy định tại 3 Công ước Liên hợp quốc cần tiếp tục đóng vai trò nền tảng của hệ thống kiểm soát ma túy toàn cầu. Việt Nam ủng hộ quan điểm của ASEAN và nhiều nước về thái độ không khoan nhượng với ma túy và tiếp tục theo đuổi mục tiêu lâu dài hướng tới một khu vực và thế giới không ma túy. Các giải pháp giải quyết vấn đề ma túy cần được cân bằng giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại thông qua các biện pháp thực thi pháp luật và các giải pháp kinh tế - xã hội nhằm loại bỏ các nguyên nhân sâu xa dẫn đến tệ nạn ma túy, đồng thời chú trọng vào hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy.
Việt Nam coi trọng các biện pháp phòng ngừa, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, từ đó thúc đẩy sự đồng tình và tích cực tham gia của toàn xã hội vào các chương trình, hoạt động phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, Việt Nam đang ngày càng củng cố hệ thống cơ quan phòng, chống ma túy từ trung ương xuống các địa phương; tăng cường điều tra xử lý tội phạm; gắn kết chương trình thay thế cây có chứa chất ma túy với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội; huy động các nguồn vốn đầu tư phục vụ công tác phòng, chống ma túy.
Với tinh thần nhân văn, Chính phủ Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ, chăm sóc người nghiện ma túy, thông qua các mô hình điều trị đa dạng, cung cấp các dịch vụ tư vấn, các biện pháp can thiệp giảm tác hại, tái hòa nhập cho người sử dụng ma túy.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức trong công tác phòng, chống ma túy. Thứ nhất, Việt Nam nằm trong khu vực tội phạm ma túy ngày càng hoạt động phức tạp, khó khăn. Thứ hai, sự xuất hiện các loại ma túy và các chất hướng thần trái phép mới để gây nghiện đòi hỏi phải có công nghệ và kinh nghiệm cần thiết để có thể phát hiện kiểm soát hiệu quả. Thứ ba, Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn về nguồn lực để hỗ trợ cho công tác điều trị cai nghiện, và tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện. Để có thể ứng phó với những thách thức này, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác tích cực của các nước và các cơ quan Liên hợp quốc, đặc biệt là UNODC.
Về phần mình, Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống ma túy trên toàn cầu, nhất là ở khu vực Đông Nam Á.
“Việt Nam rất hoan nghênh việc tổ chức Phiên họp đặc biệt này và đánh giá cao việc thông qua văn kiện của UNGASS; đồng thời tin rằng văn kiện toàn diện này đánh dấu một bước tiến quan trọng, khẳng định quyết tâm chung của các quốc gia thành viên và hệ thống Liên hợp quốc trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy toàn cầu” – Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.
Văn kiện của UNGASS gồm các khuyến nghị: (1) giảm cầu và các biện pháp liên quan; (2) bảo đảm tiếp cận các chất được kiểm soát sử dụng trong y tế và khoa học; (3) giảm cung và các biện pháp liên quan; (4) những vấn đề liên quan như nhân quyền, thanh niên, trẻ em, phụ nữ, cộng đồng; (6) tăng cường hợp tác quốc tế; (7) phát triển thay thế, hợp tác quốc tế về chính sách kiểm soát ma túy toàn diện, cân bằng.