Hà Nội đặt mục tiêu không đốt rơm rạ, giảm đốt vàng mã

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong kế hoạch thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp của thành phố Hà Nội do Chủ tịch UBND Thành phố Sỹ Thanh vừa ký ban hành, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ không còn tình trạng đốt rơm rạ và giảm đốt vàng mã để bảo vệ môi trường không khí.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp của thành phố Hà Nội.

Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu 75% - 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức tốt và trung bình, kiểm soát nồng độ PM2.5 trung bình năm đến năm 2030 ở phần lớn các trạm chuẩn trong khu vực nội đô dưới mức 40 µg/Nm3 và dưới mức 35 µg/Nm3 đối với các khu vực ngoại thành.

Để thực hiện mục tiêu này, kế hoạch nêu chỉ tiêu 100% các công trường xây dựng thực hiện các biện pháp giảm bụi; 100% khí thải từ các nhà máy công nghiệp được xử lý đạt QCVN; 100% các hộ gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp; 100% không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời thực hiện giảm việc đốt vàng mã.

Hà Nội đặt mục tiêu không đốt rơm rạ, giảm đốt vàng mã ảnh 1

Hà Nội đặt mục tiêu giảm tình trạng đốt vàng mã trong các dịp lễ tết.

Việc đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch và đốt vàng mã vào các dịp lễ tết là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội.

Một nghiên cứu do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thực hiện cho thấy, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2,5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2,5 rất lớn. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi PM2,5 được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45 năm 2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính bị phạt tiền 2,5-3 triệu đồng.

Tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng nêu giải pháp hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, đồng thời có giải pháp giảm thiểu tình trạng đốt vàng mã trong các dịp lễ tết.

MỚI - NÓNG