2 chiêu trò phổ biến mạo danh công an để lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Công an TPHCM vừa khuyến cáo người dân cảnh giác với thủ đoạn mạo danh cán bộ thuộc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát liên hệ với người nhà của các đối tượng đang bị khởi tố, bị bắt tạm giam để yêu cầu chuyển tiền “chạy án” bằng tiền điện tử USDT rồi chiếm đoạt.

Đây là phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, các đối tượng tìm kiếm thông tin về các bị can đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong các vụ án hình sự, kinh tế trên báo chí và mạng xã hội; tìm hiểu về mối quan hệ thân nhân trong gia đình (chủ yếu là thông tin vợ chồng, con cái…). Sau đó, các đối tượng chỉnh sửa, cắt ghép, điền thông tin lên các biểu mẫu tố tụng hình sự (như lý lịch bị can, quyết định khởi tố bị can…) để gửi tin nhắn đến người thân của bị can trong vụ án thông qua ứng dụng Telegram, Facebook... Các đối tượng tự xưng là điều tra viên, kiểm sát viên đang thụ lý vụ án; trao đổi thông tin liên quan đến vụ án, gửi hình ảnh lý lịch bị can, quyết định khởi tố bị can giả mạo… khiến người nhà của bị can tin tưởng là thật.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng… cho bất kỳ ai khi chưa rõ nhân thân, lai lịch của người đó. Đặc biệt, không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định…

Tại TP HCM, khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần phải liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ Trực ban Công an TPHCM (số điện thoại 069.3187.344), Trực ban Phòng Cảnh sát hình sự (số điện thoại 069.3187.200) để cung cấp thông tin, phối hợp điều tra, xử lý.

Tiếp đến, các đối tượng yêu cầu người nhà bị can phải chuyển một khoản tiền điện tử (USDT) (có khi tương đương hàng tỷ đồng) vào ví điện tử do đối tượng chỉ định để “chạy án”, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can trong vụ án. Trường hợp nạn nhân bị “sập bẫy” và đồng ý, các đối tượng sẽ hướng dẫn dùng tiền để mua tiền điện tử và chuyển đến các tài khoản ví điện tử theo chỉ định rồi chiếm đoạt.

2 chiêu trò phổ biến mạo danh công an để lừa đảo ảnh 1

Hình ảnh đối tượng giả danh công an gọi điện lừa đảo Ảnh: Công an cung cấp

Công an TPHCM khuyến cáo, đưa tiền “chạy án” là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm về tội danh “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ” theo quy định tại Điều 364, 365 Bộ luật Hình sự. Khi gặp các trường hợp trên, người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác với phương châm “Không hoảng sợ - Không làm theo yêu cầu chuyển tiền của đối tượng”.

Cách nhận biết

Ngày 26/11, Công an quận Tân Phú (TPHCM) phát đi thông tin cảnh báo về tình trạng giả danh công an gọi điện lừa đảo, đồng thời khuyến cáo cách nhận biết và xử lý.

Theo Công an quận Tân Phú, các đối tượng lừa đảo thường giả danh cán bộ thuộc Bộ Công an và Viện kiểm sát đang điều tra các vụ án hình sự, đồng thời làm giả các lệnh bắt tạm giam và quyết định tạm giữ, niêm phong tài sản thi hành án hình sự rồi liên lạc, gửi cho bị hại thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… Sau đó, kẻ xấu yêu cầu “con mồi” chuyển tiền vào tài khoản mà chúng cung cấp hoặc yêu cầu tiết lộ thông tin về số tiền tiết kiệm, sổ tiết kiệm, thông tin về tài khoản ngân hàng, mã OTP chuyển tiền… để phục vụ điều tra và hứa hẹn sẽ trả lại sau khi chứng minh nạn nhân vô tội. Nhiều người hoang mang, vì lo sợ bị bắt nên chuyển tiền theo hướng dẫn và bị chiếm đoạt.

Ngoài ra, kẻ gian giả danh công an hướng dẫn người dân cài đặt VNeID, định danh điện tử mức 1, mức 2. Đây là hình thức lừa đảo phổ biến gần đây do nhiều người dân chưa hoàn thiện thủ tục cài đặt VNeID.

2 chiêu trò phổ biến mạo danh công an để lừa đảo ảnh 2

Các đối tượng làm giả lý lịch bị can và nhắn tin cho người dân để lừa “chạy án”

Ảnh: Công an cung cấp

Quá trình điều tra nhiều vụ án liên quan, cơ quan công an xác định, trước khi thực hiện chiêu trò này, các đối tượng tìm hiểu rất kĩ về nơi cư trú, thông tin Căn cước công dân (CCCD), ngày tháng năm sinh của nạn nhân để tạo niềm tin và yêu cầu, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả chỉ trong thời gian ngắn. Sau khi người dân cài đặt, kẻ xấu kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại của nạn nhân. Đối với thủ đoạn này, các đối tượng lừa đảo thường nhắm vào người cao tuổi về hưu, nội trợ… vì ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin báo chí, mạng xã hội.

MỚI - NÓNG