Thế hệ gen Z có dễ gãy vỡ? - Bài 1: Khi những đứa trẻ bất trị

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ở nhà “cháu nó ngoan lắm”, đến trường là trò giỏi nhưng ra đường, nhiều học sinh, sinh viên lột xác thành một con người khác khiến phụ huynh, giáo viên ngơ ngác “đứng hình”. Vậy điều gì đang xảy ra với nhiều bạn trẻ sinh trong khoảng năm 1997 - 2012?

Những đứa con ngoan bỗng một ngày khiến bố mẹ chết lặng vì phản ứng tiêu cực thái quá. Cảm xúc của con giống như “bom không hẹn giờ”, có thể bùng phát bất cứ lúc nào mà không có dấu hiệu báo trước.

Bất lực với con

Chuyện cô gái 27 tuổi bị nhóm quái xế tông tử vong trên phố của Hà Nội mới đây là nỗi ám ảnh đối với tất cả các bậc phụ huynh có con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chỉ một phút không ngờ của người mẹ giao chìa khóa xe cho con đã khiến một cô gái chết oan uổng, một đứa trẻ 15 tuổi sẽ phải đối diện với những phán xét của pháp luật và bản án lương tâm đến hết đời.

Thế hệ gen Z có dễ gãy vỡ? - Bài 1: Khi những đứa trẻ bất trị ảnh 1

Những trò chơi tập thể trong giờ giải lao sẽ giúp học sinh giải tỏa được cảm xúc tiêu cực. Ảnh: Nghiêm Huê

Chia sẻ với PV Tiền Phong, nhiều giáo viên nói, đã rất sốc trước tình trạng học sinh thản nhiên nói bậy trong giờ nghỉ giải lao hay các hoạt động ngoại khóa. Không chỉ nói bậy, nhiều em có xu hướng bạo lực học đường, giải quyết mâu thuẫn với bạn bè bằng nắm đấm. Nhưng đáng báo động hơn là tình trạng bạo lực trắng (bạo lực không tác động vật lí) trên không gian mạng bằng những lời nói có tính sát thương còn nghiêm trọng hơn bạo lực nóng. Tình trạng này xảy ra từ trường công lập đến ngoài công lập, từ trường đại trà đến trường chuyên.

Từ góc độ gia đình, nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng stress vì không biết phải giáo dục con thế nào. Chị N.P.T ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ ba tháng nay là giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi chị lập gia đình. Con trai chị T thi đỗ vào lớp 10 chuyên Toán Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Trong khoảng thời gian chờ nhập học, chị T cho phép con dùng điện thoại và máy tính để giải trí. Nhưng không ngờ con trai chị nghiện game rất nhanh.

Khi vào học, đến trường thì thôi, về nhà là con chị T lao vào phòng ôm máy tính. Ban đầu, chị T nhẹ nhàng phân tích khuyên bảo nhưng không hiệu quả. Chị sử dụng giải pháp hạn chế một ngày chỉ được chơi game trong khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, giải pháp này không đạt được sự đồng thuận giữa bố mẹ và con. Vì hết thời gian quy định, nếu thu máy tính, con phản ứng khó chịu, vùng vằng, không hợp tác. Đỉnh điểm là cách đây hơn một tháng, hết thời gian chơi, chị thu điện thoại. Phản ứng của con là giận dữ và giật điện thoại ném luôn xuống đất. Chị T bất lực. Cũng từ đó đến nay, con chị T không giao tiếp với bố mẹ, thậm chí đến em trai cũng không nói chuyện; về đến nhà là đóng cửa trong phòng, đến bữa cơm mới ra ăn hoặc ăn sau. Chị T cảm giác các cánh cửa kết nối với con đang hoàn toàn đóng lại, nhiều hôm chị khóc trong bất lực.

Chị T.Q. H lại gặp tình huống muốn khóc không được trong suốt năm học 2023 - 2024 vừa qua. Con trai chị H không trúng tuyển nguyện vọng 1 ở trường THPT top đầu của quận Cầu Giấy nhưng trúng tuyển một trường chất lượng cao. Tuy nhiên, con chị lại không muốn học trường này mà muốn học một trường ngoài công lập ở gần nhà cùng bạn bè.

Chị H phải thuyết phục nhiều ngày con mới chấp nhận nhập học trường chất lượng cao. Tuy nhiên, cả năm học con luôn tỏ ra chống đối mẹ, không hợp tác bất cứ việc gì từ ở nhà đến trường. Con không có bạn thân trong lớp, không tham gia bất kì câu lạc bộ nào, không tham gia các phong trào của lớp, của trường. Con về nhà không chia sẻ bất kì thông tin nào về chuyện học với mẹ.

Để nắm bắt tình hình của con, chị H thường xuyên liên lạc với cô giáo chủ nhiệm. Con vẫn hoàn thành nhiệm vụ học tập ở mức khá và không vi phạm kỉ luật ở trường. Nhưng chị H nhận ra con trai đang thực sự rất khổ. Con đang phải khoác cái áo không mong muốn để làm hài lòng mẹ. Dù tiếc môi trường học tập ở trường chất lượng cao mà nhiều bạn mơ ước, đầu năm học 2024- 2025, chị H quyết định chuyển con về học trường ngoài công lập như mong muốn. Hết nửa học kì I, kết quả học tập không cao hơn ở trường cũ nhưng con vui vẻ, hạnh phúc hơn và đã tương tác với mẹ.

Dễ tổn thương vì kỳ vọng của bố mẹ

Là một chuyên gia tâm lí, lại là giáo viên, chị N.O từng “đứng hình” khi chỉ buột miệng nói cậu con trai đang học lớp 11: “Bây giờ con sướng quá rồi, mẹ nấu ăn rồi mà không chịu ăn”. Vốn ít nói, nhưng con lập tức bật lại: “Mẹ có biết con khổ vì bố mẹ luôn nghĩ con sướng không? Con có muốn sướng thế đâu, con sinh ra đã thế rồi. Sao bố mẹ lại nghĩ với con, đó như cái tội?”.

Theo lẽ thường, chị O sẽ sôi máu khi con cãi lại mình nhưng là chuyên gia tâm lí, chị nhận thấy con nói có lí. Cha mẹ không thể áp quyền mình sinh ra để có thể trút lên đầu con bất cứ điều gì. Mỗi đứa trẻ khi sinh ra vốn đã là một thực thể độc lập, càng lớn con sẽ càng có quan điểm riêng.

TS Lương Thị Phương Thảo, nguyên Trưởng bộ môn Lịch sử Đảng, Đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên tổ tư vấn của ĐH được ví như chị Thanh Tâm chia sẻ nhiều tình huống sinh viên gặp phải, từ chuyện học, chuyện yêu, chuyện quan hệ với bạn bè, ứng xử với hàng xóm…

TS Thảo kể, có sinh viên, bố mẹ xảy ra mâu thuẫn, em cảm thấy suy sụp, tìm đến bà chia sẻ với tâm trạng chán nản và muốn bỏ học. Lúc này, TS Thảo phải nhập vai “nạn nhân” cùng hoàn cảnh để động viên, định hướng sinh viên về nhà trao đổi với bố mẹ cách giải quyết mâu thuẫn. Hay có sinh viên do học phổ thông đã ở đỉnh cao, lên đại học chưa quen với phương pháp học, bị trượt môn nhưng lại không dám nói với bố mẹ vì không muốn bố mẹ thất vọng về mình. Sự kì vọng không đúng cách của phụ huynh là một áp lực rất lớn với mỗi đứa trẻ. Chúng sẽ tìm cách nói dối hoặc xử lí theo hướng tiêu cực.

“Với những sinh viên như thế nếu nhà trường không quan tâm, những sự việc tưởng như nhỏ nhặt nhưng dần tích tụ lại đến một lúc nào đó, các em giống như chiếc lò xo nén chặt, chỉ cần chạm nhẹ là bùng nổ. Lúc đó, mọi sự hỗ trợ, cứu vãn đôi khi đã muộn màng, như không còn cơ hội để quay lại học, hoặc trượt trong các tệ nạn…”, TS Thảo chia sẻ

TS Thảo nhìn nhận, sự bao bọc của cha mẹ, sự nuông chiều của thầy cô đã khiến nhiều đứa trẻ lớn nhưng chưa trưởng thành. Ngoài kiến thức học tập, các em thiếu rất nhiều kĩ năng trong cuộc sống như kĩ năng giao tiếp, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng kết nối với bạn bè, người thân. Những yếu tố trên dẫn đến biến cố xảy đến với sinh viên. Đó không phải ngẫu nhiên mà nó là sự tích tụ qua năm tháng và đã không được nhà trường, gia đình phát hiện.

Tại lễ trưởng thành ở Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa (Hà Nội), không ít bậc phụ huynh đã xúc động khi được nghe đọc một lá thư của học sinh viết: “Con cảm ơn bố mẹ đã sinh ra 2 lần. Một lần là ngày con ra đời - ngày sinh nhật và một lần là ngày con trượt lớp 10 ở trường THPT. Khi biết con trượt, bố mẹ đã không nói gì, chỉ nói sẽ tìm cho con một ngôi trường tốt, con học thấy hạnh phúc…”. Cả sân trường với hàng trăm phụ huynh, hàng trăm học sinh đều lặng đi và xúc động khi cô giáo đọc xong bức thư này.

MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.