Thu hồi hàng loạt dự án
Khu kinh tế Vũng Áng nằm trên vùng đất phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh được thành lập từ năm 1997, có diện tích gần 22.800ha trên cơ sở khu công nghiệp - cảng biển Vũng Áng. Đây là một bộ phận của khu đô thị Vũng Áng và vùng kinh tế Bắc Quảng Bình- Nam Hà Tĩnh. Khi thành lập, Khu kinh tế Vũng Áng nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực với các trụ cột như: công nghệ luyện kim, năng lượng, logistics, dịch vụ cảng biển… trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, phù hợp với phát triển vùng và kết nối với các trung tâm kinh tế trong khu vực.
Một góc Khu kinh tế Vũng Áng |
Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau 18 năm thành lập, Khu kinh tế Vũng Áng hiện có 148 dự án còn hiệu lực, bao gồm 55 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD (trong đó có 1 dự án đầu tư theo hình thức BOT), 93 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký hơn 64.100 tỷ đồng. Trong 10 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã chấm dứt hoạt động 11 dự án đầu tư (trong đó có 2 dự án đầu tư nước ngoài, 9 dự án có vốn đầu tư trong nước). Luỹ kế tại Khu kinh tế Vũng Áng đã có 70 dự án bị thu hồi, chấm dứt hoạt động.
Ngành thép phát triển ở Khu kinh tế Vũng Áng |
“Trên cơ sở rà soát tổng thể các dự án, đơn vị đã phân nhóm các dự án để có hướng xử lý phù hợp. Với dự án triển khai gặp khó khăn, vướng mắc, sẽ tập trung tháo gỡ hoặc báo cáo Tổ công tác của tỉnh có phương án tháo gỡ khó khăn để nhà đầu tư tiếp tục triển khai. Còn với các dự án chây ì, gây lãng phí quỹ đất sẽ kiên quyết thu hồi, chấm dứt hoạt động. Với các dự án như Khu công nghiệp Phú Vinh, Khu công nghiệp Hoành Sơn, do vướng quy hoạch nên đang chờ cấp thẩm quyền Trung ương xem xét, tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư cũng như môi trường đầu tư, phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng”, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh thông tin.
“UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, rà soát tất cả các dự án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, quy hoạch nhằm đồng hành và tạo môi trường, làn sóng đầu tư hiệu quả”. Ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh
Những năm gần đây, tình hình thu hút đầu tư tại khu kinh tế Vũng Áng có nhiều khởi sắc. Chỉ trong 3 năm vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã thu hút được 10 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 14.011 tỷ đồng (bao gồm dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các dự án trong lĩnh vực sản xuất, năng lượng…) và 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD (lĩnh vực sản xuất pin của Tập đoàn Vingroup).
Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông – Tây và các trục đường bộ, đường biển, cao tốc..., Khu kinh tế Vũng Áng thuận lợi cho sự giao thương. Tại đây còn sở hữu cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Lào và Đông Bắc Thái Lan.
“Hằng năm, tỉnh đã triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng, trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm như công nghiệp chế biến, chế tạo, tự động hóa, công nghiệp năng lượng... không chỉ tận dụng thế mạnh sẵn có mà còn tạo ra động lực phát triển cho các lĩnh vực phụ trợ như logistics, dịch vụ tài chính, công nghệ. Đơn vị cùng ngành chức năng địa phương cũng xây dựng các chính sách, cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo môi trường đầu tư”, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nói.
Không lãng phí dự án đầu tư
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, quan điểm của tỉnh là mời gọi các nhà đầu tư, lấp đầy các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong đó, tập trung trước mắt vào 2 lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. “Để lấp đầy các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng tương xứng với các lợi thế sẵn có cần có thời gian, ít nhất phải đến 2030. Để làm được điều đó, tỉnh luôn chú trọng kêu gọi, chọn lọc các nhà đầu tư có tiềm lực, đủ điều kiện để xây dựng, hoạt động. Đối với các nhà đầu tư chưa đủ điều kiện, tỉnh dứt khoát không bàn giao quỹ đất đầu tư. Ngoài ra, các nhà đầu tư phải cam kết rõ nếu sau 12 tháng không thực hiện sẽ thu hồi và tỉnh sẽ tìm nhà đầu tư mới”, ông Hải cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải (phải) trao đổi với PV Tiền Phong |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Khu kinh tế Vũng Áng là “trái tim kinh tế” giúp địa phương phát triển, thu ngân sách tăng trong những năm gần đây. Trước đây, Hà Tĩnh là tỉnh nghèo, nhưng nhờ sự đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đã dần thay đổi diện mạo, phát triển hơn. Hiện, ngoài Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa, còn có thêm nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn đầu tư các dự án, như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sơn Hà, các dự án đầu tư nước ngoài, xây dựng các ngành mũi nhọn về công nghiệp nặng, năng lượng, logistics, dịch vụ cảng biển.
Tuy nhiên, có nhiều dự án còn gặp vướng mắc, khó khăn cho quá trình đầu tư, hoạt động. Trong đó phải kể đến như dự án Khu công nghiệp Phú Vinh, Khu công nghiệp Hoành Sơn, Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi... hay các dự án sử dụng ngân sách như Trường Cao đẳng Công nghệ - cơ sở 2; Dự án nhà ở thí điểm cho công nhân và người lao động thuê của Mitraco.
“Đối với các dự án này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, rà soát để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, quy hoạch nhằm đồng hành và tạo môi trường, làn sóng đầu tư hiệu quả. Với các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, kể cả đầu tư công hay xã hội hóa, tỉnh sẽ cương quyết thu hồi, không để lãng phí một dự án, một mét đất nào ở Khu kinh tế Vũng Áng”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.