"Bài ca Hồ Chí Minh" của nhạc sĩ Ewan MacColl mở đầu chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Dự chương trình có anh Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy T.Ư Đoàn; chị Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Công đoàn cơ quan T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Thái An - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn; anh Hoàng Đức Nam - Bí thư Đoàn Thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn.
Với chủ đề “Tuổi trẻ nhớ lời di chúc theo chân Bác”, chương trình gồm hai phần: Di chúc của Bác và giá trị với thế hệ trẻ; Thanh niên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Bồi dưỡng thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các đại biểu và đoàn viên thanh niên tham dự chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Mở đầu chương trình, các đại biểu và đoàn viên thanh niên đã cùng lắng đọng, dâng trào cảm xúc khi ôn lại hoàn cảnh ra đời, nội dung cốt lõi, giá trị và ý nghĩa của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo - nguyên quyền Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, Bác viết Di chúc khi sức khoẻ vẫn đảm bảo và tinh thần, trí tuệ sáng suốt, cũng như thời điểm lắng đọng để căn dặn đời sau kỹ lưỡng nhất.
Theo ông Bảo, Di chúc là kết tinh sự nghiệp hoạt động cách mạng, kinh nghiệm của Bác, không chỉ muốn dành cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tình thương mà như lời nhắc nhở, chỉ bảo, dự báo, hoài bão khát vọng của Bác về xây dựng đất nước.
PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Ông Bảo nêu rõ, trong những lời Di huấn thiêng liêng, sau phần nói về Đảng, Bác dành một phần rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với thế hệ trẻ. Bác căn dặn: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".
Di chúc của Bác cùng với tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là di sản vô cùng quý báu của dân tộc. Di chúc của Bác là văn kiện lịch sử vô giá, tác phẩm giàu tính lý luận và thực tiễn. 55 năm đi qua, Di chúc của Bác vẫn luôn luôn là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta hành động để xây dựng đất nước”, ông Bảo nhấn mạnh.
Bà Cù Thị Minh chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Bà Cù Thị Minh - Phó Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã cho biết, chương trình giao lưu diễn ra trong không gian rất ý nghĩa, là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc 15 năm cuối đời. Sau khi Bác Hồ qua đời, Ban Bí thư T.Ư Đảng quyết định gìn giữ nguyên trạng toàn bộ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Khu Di tích hiện được giữ gìn nguyên trạng, mở cửa gần như toàn bộ để đón khách tham quan, hiểu hơn những năm cuối đời của Bác và cuộc đời, sự nghiệp của Người.
Theo bà Minh, Khu Di tích Phủ Chủ tịch bao gồm các di tích bất động sản và tài liệu mật, cùng với cảnh quan môi trường. Mỗi di tích, cảnh vật, cảnh quan nơi đây đều thấm đẫm giá trị phi vật thể, di sản sâu sắc gắn liền với bài học về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nhân sinh quan sâu sắc.
Để lan toả tinh thần này, Khu Di tích Phủ Chủ tịch bên cạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn trực tiếp còn tổ chức hội thảo, toạ đàm, triển lãm ở các địa phương, trong và ngoài nước.
Chia sẻ nhiều mẩu chuyện về Bác, bà Minh gửi gắm thông điệp đến các bạn trẻ tham dự chương trình về tính kiên trì và tiết kiệm. “Đây là chủ đề không mới, nhưng không bao giờ lỗi thời”, bà Minh nói.
Phát huy tinh thần tiên phong, nêu gương
Nhớ lời Di chúc của Bác, thanh niên đang ra sức học tập, rèn luyện, lao động và cống hiến cho xã hội. Khi Tổ quốc cần, thanh niên với tinh thần xung kích, tình nguyện, khát vọng tuổi trẻ luôn sẵn sàng lên đường, đến với những nơi còn khó khăn, vất vả, đến với bản làng xa xôi; chung sức cùng cộng đồng, chăm lo những người yếu thế, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
Chị Lê Thị Hồng Nhung - chuyên viên Ban Tổ chức T.Ư Đoàn, đảng viên tiêu biểu trong học tập và làm theo lời Bác năm 2024, bày tỏ xúc động trước sự quan tâm, luôn đặt thanh niên ở vị trí trung tâm, quan tâm và bồi dưỡng của Bác. Di chúc của Bác là chỉ dẫn, định hướng lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam xung kích, tiên phong trong mọi hoạt động, không ngừng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu cho lý tưởng cách mạng cao cả.
“Những lời căn dặn của Bác chính là động lực để thôi thúc, nhắc nhở thế hệ trẻ nói chung và bản thân tôi phải luôn sống có ước mơ, hoài bão, ý chí vươn lên, đó là khát vọng được cống hiến”, chị Nhung nói.
Chị Lê Thị Hồng Nhung chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Anh Đặng Cao Cường - Trưởng Ban Biên tập Sách Comic, NXB Kim Đồng, một điển hình tiên tiến làm theo lời Bác, cho biết anh luôn nêu cao việc sống, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ để có thể góp sức, xây dựng cơ quan, đơn vị bằng tinh thần nhiệt huyết, đam mê và không ngại khó khăn thử thách, đúng với tinh thần của tuổi trẻ, của một cán bộ Đoàn. Từ việc thấm nhuần những lời dạy của Bác để lại trong Di chúc, anh đã đúc kết ba từ khóa là sáng tạo – đam mê – học hỏi, cho việc rèn luyện, phấn đấu của bản thân.
“Việc sáng tạo ra cái mới chỉ có thể phát huy hiệu quả khi bản thân không sợ sai, sợ vấp ngã. Lời dạy của Bác Đừng sợ sai, nhưng phải biết sửa chữa khi mắc lỗi, đã động viên tôi rất nhiều trong quá trình đề xuất những ý tưởng sáng tạo phục vụ cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân”, anh Cường nói.
Anh Đặng Cao Cường chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Cũng tại chương trình, nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bồi dưỡng thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có các bạn trẻ gen Z.
TS. Nguyễn Diệu Linh - giảng viên Khoa Công tác Thanh thiếu niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cho biết gen Z là thế hệ năng động, nhạy bén với các luồng thông tin. Để giáo dục các bạn trẻ học tập và làm theo Bác, cán bộ Đoàn và những người làm công tác giáo dục phải tiên phong, làm tốt việc nêu gương.
“Nếu bản thân là người đi giáo dục không thực hiện tốt việc nêu gương, thì không thể truyền cảm hứng tới cộng đồng nói chung và các bạn thanh niên nói riêng tin theo, nghe theo, từ đó có lý tưởng phấn đấu rèn luyện”, chị Linh nói.