'Lội ngược dòng' thành thủ khoa đại học

TPO - Từ cậu học sinh chuyên Lý không mấy nổi bật, Đức bất ngờ rẽ hướng sang theo đuổi ngành Khoa học máy tính. Với nỗ lực không ngừng, nam sinh tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Công nghệ với điểm GPA đạt 3.92/4.

Từ cậu học sinh không mấy nổi trội đến... ngã rẽ

Nguyễn Minh Đức (22 tuổi), cựu sinh viên ngành Khoa học máy tính của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tốt nghiệp thủ khoa với điểm GPA đạt 3.92/4. Với điểm số đáng ngưỡng mộ này, ít ai nghĩ Đức từng là cậu học sinh chuyên Lý không mấy nổi trội ở cấp 3 và chỉ mới chuyển sang học về công nghệ máy tính trong những năm đại học.

Khi học cấp 3, Đức theo học khối chuyên Vật lý tại Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Sau đó, nam sinh quyết định vượt qua giới hạn bản thân để chuyển hướng, theo đuổi đam mê với ngành Khoa học máy tính.

Đức cho biết, được tiếp xúc với máy tính sớm cũng là một trong những lý do khiến cậu có hứng thú, hiếu kỳ với ngành khoa học này. Cũng từ đây, chàng trai mạnh dạn theo đuổi ngành học mà mình vốn chưa có nhiều kiến thức chuyên môn. So với những bạn bè từng học chuyên Tin, chuyên Toán, có nền tảng lập trình từ trước, Đức thừa nhận mình có phần “đuối” hơn.

Bên cạnh việc nghe giảng trong những giờ lên lớp, Đức dành thời gian tự học ở nhà để nâng cao kiến thức. Mỗi tối, cậu dành khoảng 4 tiếng để tự học và luyện đề. Đức khẳng định rằng, chỉ có cố gắng, nỗ lực mới có thể giúp bản thân đạt được mong muốn.

'Lội ngược dòng' thành thủ khoa đại học ảnh 1
Nguyễn Minh Đức (đứng ngoài cùng bên trái) tốt nghiệp thủ khoa ngành Khoa học máy tính và thủ khoa toàn Trường Đại học Công nghệ.

'Lội ngược dòng' thành thủ khoa đại học

Giai đoạn đầu, Đức gặp nhiều khó khăn với những môn lập trình nâng cao, cấu trúc dữ liệu và giải thuật bởi khối lượng lý thuyết lớn, đồng thời đòi hỏi độ sáng tạo, tư duy logic cao. Đối với cựu sinh viên chuyên Lý như Đức, cấu trúc đề thi lập trình khá rộng và khó tìm thấy trong sách vở.

“Mình dành thời gian để tự luyện lập trình các bài toán, làm đề, đọc thêm các tài liệu... để làm quen những môn mới và cố gắng không bị bỏ lại đằng sau quá xa”, Đức nói.

Tâm sự về giai đoạn khó khăn nhất trong suốt chặng đường đại học, Đức cho biết đó là khi mới bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu các bài toán phục vụ khóa luận tốt nghiệp. Đức phải đọc rất nhiều bài báo khoa học một lúc và phải nắm được các kiến thức mới trong đó một cách nhanh nhất.

Khi nói về phương pháp học tập giúp để trở thành thủ khoa, Đức đặc biệt nhấn mạnh việc ghi chép kiến thức trên lớp đầy đủ để ghi nhớ tốt nhất.

Đức không ghi chép tràn lan mà chỉ ghi lại những kiến thức bản thân thấy quan trọng. Đặc biệt là những chỗ chưa hiểu kỹ, để khi về nhà có thể tìm hiểu lại, sâu hơn bằng cách tra tài liệu, hỏi bạn bè, thầy cô. Ngoài ra cậu bạn cũng thường tìm tòi và làm thêm các bài tập để hiểu rõ hơn cách áp dụng lý thuyết.

Sau đó, Đức thường xuyên đọc lại kiến thức những môn đã học, không đi theo phương châm “nước đến chân mới nhảy” để tránh bị “ngộp thở” trước những kỳ thi dày đặc.

'Lội ngược dòng' thành thủ khoa đại học ảnh 2
Nguyễn Minh Đức (bên trái) có định hướng tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.

Muốn tiến xa trong nghiên cứu khoa học

Trong chặng đường đại học của mình, ngoài học tập Đức còn từng tham gia vào cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên. Lần đầu tiên chàng trai trẻ tiếp xúc với việc nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Tương tác Người - Máy (HMI Lab) và các bài toán khoa học.

Dưới sự hướng dẫn của giảng viên và sự đồng hành của bạn bè trong phòng thí nghiệm, Đức có thêm trải nghiệm quý báu và động lực theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, khi nhắc về TS. Tạ Việt Cường - giảng viên hướng dẫn Đức trong phòng thí nghiệm, cậu học trò luôn bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng. "Những thành tích đáng nể về tin học, lập trình mà thầy từng đạt được đã tạo động lực, thôi thúc mình tìm hiểu khoa học máy tính nhiều hơn".

Trong tương lai, Đức dự định tiếp tục học cao hơn ở bậc tiến sĩ tại nước ngoài, muốn học hỏi nhiều hơn và tiếp xúc với môi trường nghiên cứu trên thế giới. Sau khi hoàn thành việc du học, nam sinh hy vọng có thể trở lại chính nơi mình tốt nghiệp để làm giảng viên, tiếp tục cống hiến, truyền đạt kiến thức, kỹ năng mình học được đến các thế hệ sinh viên tiếp theo.

MỚI - NÓNG