F-16 có thể xoay chuyển được cục diện của cuộc xung đột Nga-Ukraine? |
F-16 là loại máy bay chiến đấu mang tính biểu tượng do Mỹ sản xuất, được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bố trí ở tuyến đầu và không quân nhiều nước trên thế giới lựa chọn trong 50 năm qua.
Các nước phương Tây đã cam kết cung cấp F-16 cho Kiev và theo xác nhận của các quan chức ở Washington và Ukraine với hãng tin AP, lô đầu tiên đã được chuyển đến Ukraine.
Những chiếc chiến đấu cơ mà Ukraine mong chờ từ lâu này dự kiến sẽ sớm bắt đầu thực hiện các phi vụ trên không, mang tới sự hỗ trợ rất cần thiết cho phi đội máy bay phản lực thời Liên Xô cũ của nước này đang nỗ lực chống lại các lực lượng Nga.
Trước đó, vào tháng 8/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bật đèn xanh cho việc triển khai các máy bay F-16 đã qua sử dụng tại Ukraine.
Mặc dù Mỹ sẽ không cung cấp bất kỳ chiếc F-16 nào từ kho vũ khí của mình, nhưng các đồng minh và đối tác của nước này, gồm Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 60 máy bay trong những tháng tới.
Với sự xuất hiện của những chiếc F-16, sức mạnh quân sự của Ukraine sẽ được tăng cường, nhất là về phòng không và đối với Kiev, đây là điều rất quan trọng vì họ đang trở nên yếu thế hơn trước các bước tiến ổn định của các lực lượng Nga trên chiến trường.
Dưới đây là những điều cần biết liên quan tới sự xuất hiện của chiến đấu cơ F-16 trên chiến trường Ukraine:
Chiến đấu cơ F-16 có thể mang lại điều gì cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine?
Chuyên gia Federico Borsari thuộc Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA) tại Washington cho biết F-16 có thể sẽ có 3 nhiệm vụ cốt lõi, bao gồm tìm cách đánh chặn tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) của Liên bang Nga đã liên tục tấn công Ukraine; chế áp các hệ thống phòng không của đối phương và tấn công các vị trí quân đội và kho đạn dược của Liên bang Nga bằng tên lửa không đối đất.
Do đó, theo chuyên gia Borsari, những chiếc F-16 có thể sẽ ảnh hưởng đến một số động lực của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Nhưng vẫn cần phải giải mật nhiều thông tin liên quan tới việc triển khai F-16 như các chính phủ phương Tây cho phép Ukraine sử dụng F-16 để tấn công mục tiêu gì và những loại vũ khí nào sẽ được trang bị cho những chiếc F-16 của Ukraine.
Chiến đấu cơ F-16 có thể mang theo tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow do Anh cung cấp với tầm bắn hơn 250 km, có khả năng tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Chúng cũng có thể được trang bị tên lửa không đối không tầm xa có thể đe dọa máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Nga.
Bên cạnh đó, F-16 có thể được trang bị radar tiên tiến, cho phép phi công Ukraine xác định chính xác các mục tiêu ở bán kính xa hơn so với MiG-29, Su-27 và Su-24 mà họ đang có.
Kiểm soát bầu trời là một phần quan trọng đối với các chiến dịch trên mặt đất trong chiến tranh vì máy bay cung cấp sự yểm trợ trên không cho quân đội, nhưng việc hỗ trợ các cuộc tấn công trên bộ của các lực lượng Ukraine nơi tiền tuyến có thể là quá rủi ro đối với F-16 khi xét đến việc Nga sở hữu những hệ thống phòng không tinh vi.
Dẫu vậy, ít nhất, sự xuất hiện của các chiến đấu cơ F-16 có thể sẽ gây ra tác động tâm lý đến các phi công Nga và mang lại sự khích lệ tinh thần cho những người Ukraine đang chiến đấu chống lại lực lượng của Moskva.
Những thách thức đối với Ukraine là gì?
Chuyên gia Marina Miron thuộc Khoa Nghiên cứu quốc phòng tại King's College London đã liệt kê một danh sách dài những thách thức từ F-16 mà Ukraine cần phải giải quyết.
Thứ nhất, để điều khiển cỗ máy rất phức tạp của F-16, các phi công phương Tây thường phải trải qua khoá đào tạo kéo dài 3 năm. Trong khi đó, các phi công Ukraine chỉ được đào tạo trong một khoá học cấp tốc kéo dài 9 tháng. Cho nên, hiệu quả mang lại sẽ rất hạn chế.
Thứ hai, các máy bay F-16 cần một số lượng lớn nhân viên hỗ trợ như kỹ sư bảo dưỡng lành nghề, nhân viên nạp đạn, nhà phân tích tình báo và phi hành đoàn dự bị sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp.
Thứ ba, Ukraine phải thiết lập một mạng lưới các trạm radar, nhà chứa máy bay được gia cố, nguồn cung cấp phụ tùng thay thế và hệ thống tiếp nhiên liệu.
Thứ tư, Ukraine cần phải có các sân bay chất lượng. Đây là điều bắt buộc vì cửa hút khí của F-16 nằm gần đường băng và có nguy cơ hút các mảnh vỡ và bụi bẩn vào động cơ.
Theo chuyên gia Miron, "rất nhiều vấn đề liên quan cần được giải quyết" và các phi công Ukraine không có kinh nghiệm chiến đấu trên máy bay F-16 có thể tránh tham gia các cuộc không chiến.
Nga sẽ phản ứng thế nào?
Ngày 1/8 vừa qua, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng những chiếc chiến đấu cơ F-16 mà Ukraine nhận được sẽ không phải là "viên thuốc thần" để giúp Kiev thay đổi tình hình trên chiến trường và đã có phần thưởng được chuẩn bị cho những ai phá huỷ được F-16.
Các lực lượng Nga có thể sẽ cố gắng phá hủy những chiếc F-16 bằng tên lửa tầm xa khi chúng đang đỗ trên mặt đất. Họ có lẽ đã nhắm mục tiêu vào những sân bay ít ỏi của Ukraine phù hợp cho F-16.
Vì thế, các nhà phân tích cho rằng người Ukraine sẽ cần phải bảo vệ những chiếc F-16 trong các nhà chứa máy bay kiên cố, phân tán chúng giữa các địa điểm khác nhau, sẵn sàng cất cánh nhanh chóng trong trường hợp có cảnh báo không kích, đồng thời phải bố trí các máy bay mồi nhử để đánh lừa tên lửa của Nga.
Trước đây, một số quan chức Ukraine từng tiết lộ rằng nước này có thể giữ một số máy bay chiến đấu tại các căn cứ nước ngoài để bảo vệ chúng khỏi các cuộc tấn công của Nga. Điều đó đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phản ứng gay gắt, cảnh báo rằng bất kỳ căn cứ không quân nào của phương Tây có máy bay chiến đấu Ukraine sẽ là "mục tiêu hợp pháp" đối với các lực lượng Nga.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho biết những chiếc F-16 sẽ được đặt tại các căn cứ ở Ukraine.
Trên không, những chiếc F-16 của Ukraine sẽ phải đối đầu với các hệ thống tên lửa đất đối không di động S-300 và S-400 đáng gờm của Nga. Chúng có thể nhắm mục tiêu vào nhiều máy bay cùng một lúc. Quân đội Nga cũng ước tính có hàng trăm máy bay chiến đấu đang hoạt động, cũng như các radar giám sát trên không tinh vi.
Trong số đó, theo chuyên gia Borsari, máy bay chiến đấu Su-35 của Nga sẽ là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với F-16. Bởi Su-35 được trang bị radar tầm xa cho phép theo dõi và tấn công tới 8 mục tiêu cùng một lúc trên một khu vực rộng lớn.
Mặc dù vậy, người Nga nhận thức rằng họ sẽ phải đối đầu với một máy bay đáng gờm hơn so với những gì họ từng gặp trong cuộc chiến và có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận thận trọng hơn.
Ukraine sẽ bảo vệ F-16 như thế nào?
Theo chuyên gia hàng không Ukraine Anatolii Khrapchynskyi, mặc dù các lực lượng Nga sẽ cố gắng tấn công F-16 tại các căn cứ không quân nơi chúng được cất giữ, nhưng Ukraine có hệ thống phòng thủ mạnh mẽ để bảo vệ máy bay chiến đấu khỏi các cuộc tấn công như vậy.
Chuyên gia Khrapchynskyi cho biết Ukraine có khả năng mạnh mẽ "bảo vệ các sân bay của mình bằng hệ thống phòng không để đánh chặn các cuộc tấn công (của Nga)".
Thực tế cho thấy kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các lực lượng Nga đã tích cực cố gắng tấn công các sân bay của Ukraine, nhưng theo chuyên gia Khrapchynskyi, họ phần nào đã không thành công.
Chuyên gia Khrapchynskyi cho rằng chiến đấu cơ F-16 sẽ tăng đáng kể khả năng của Không quân Ukraine trong việc bảo vệ không phận của đất nước khỏi các cuộc tấn công của Nga và tăng phạm vi mà Ukraine có thể tấn công các mục tiêu chiến lược ở Nga.
Chuyên gia Khrapchynskyi nói: “Với việc có được những chiếc máy bay chiến đấu F-16, chúng tôi sẽ có thể giải quyết một số vấn đề hiện đang gây tổn hại cho Ukraine, bao gồm các cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa của Nga, việc Nga sử dụng bom dẫn đường trên không và việc Nga triển khai các hệ thống S-300 ở các vùng biên giới Sumy và Kharkiv",.
Và như vậy, việc tiếp nhận máy bay F-16, theo chuyên gia Khrapchynskyi, sẽ giúp Ukraine đáng kể trong việc đối phó với hành động của Nga hiện nay.