Vượt qua nỗi ám ảnh ngày hè - Bài 3: Thấp thỏm nỗi lo đuối nước

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hè đến là khoảng thời gian các em thiếu nhi được vui chơi, giải trí sau một năm học tập căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng với trẻ em vùng nông thôn, mùa hè thường trôi qua một cách tẻ nhạt, nhiều rủi ro.

Thiếu sân chơi cho trẻ em

Hương Sơn là địa bàn miền núi Hà Tĩnh, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, hằng ngày người lớn phải ra đồng, lên rừng lao động kiếm thêm thu nhập. Còn con trẻ, cứ thế tụm ba, tụm bảy thản nhiên nô đùa ở bất kỳ những chỗ nào có thể như lòng lề đường, gốc cây, bãi đất trống, nhà văn hoá thôn…

Vượt qua nỗi ám ảnh ngày hè - Bài 3: Thấp thỏm nỗi lo đuối nước ảnh 1

Các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã mở nhiều lớp dạy bơi cho các em học sinh, trẻ nhỏ

Kỳ nghỉ hè vừa bắt đầu, niềm vui hiện rõ trên gương mặt em Phan Nhật Hoàng (10 tuổi, ở xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn). Những ngày nắng nóng, nhà văn hoá thôn 10 hay đập nước Cao Thắng là những địa điểm Hoàng cùng nhóm bạn trong xóm thường đến để vui chơi ngày hè. Đánh bi, đá bóng xong, nhóm trẻ lại rủ nhau lên đập để tắm.

Vượt qua nỗi ám ảnh ngày hè - Bài 3: Thấp thỏm nỗi lo đuối nước ảnh 2

Đoàn viên, thanh niên huyện Yên Thành (Nghệ An) lập nhiều biển cảnh báo tại các khu vực ao, hồ, sông suối nguy hiểm

“Hè năm nào cũng vậy, bọn cháu không biết làm gì thì đi chơi ở nhà văn hóa thôn, dưới gốc cây bóng mát. Những hôm trời nắng nóng lại rủ nhau lên đập, khe suối để tắm. Có lần nhóm rủ vào rừng bắt ong thì bị đốt sưng hết mặt”, Hoàng nói.

Mùa hè đến, chị Nguyễn Thị Mai ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), thêm nỗi lo, khi ba đứa con nhỏ cùng lúc nghỉ học, gia đình vào vụ gieo cấy lúa hè thu. Chồng đi làm xa, một mình chị Mai cùng lúc cáng đáng nhiều công việc. Trong khi đó, ngôi nhà gia đình chị nằm cuối thôn, nơi có nhiều hồ, ao đập, lo con đi tắm không có ai trông. Hằng ngày mỗi khi rời nhà, chị Mai phải bật tivi lên để dỗ dành các con.

“Ở thôn không có sân chơi gì cho trẻ. Ngày nắng sợ con ra ao, hồ chơi nên phải cho con ở nhà dùng điện thoại, tivi. Dù biết là không tốt, nhưng không còn cách nào khác”.

Chị Nguyễn Thị Mai (xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh)

“Ở thôn không có sân chơi gì cho trẻ. Ngày nắng sợ con ra ao, hồ chơi nên phải cho con ở nhà dùng điện thoại, tivi. Dù biết là không tốt, nhưng không còn cách nào khác”, chị Mai nói.

Thiếu sân chơi, buộc trẻ phải tự nghĩ ra các trò chơi nguy hiểm như đá bóng dưới lòng lề đường, leo cây, tắm sông suối… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm trong thời gian qua, nhất là đuối nước ở trẻ em. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, năm 2023, cả tỉnh có 17 trẻ em thiệt mạng do tai nạn đuối nước. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ đuối nước, làm 9 trẻ em tử vong.

Những ngày qua, người dân xã Thạch Hội (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự việc 3 em học sinh ở xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) đi tắm biển bị sóng cuốn ra xa. May mắn thời điểm này, có 2 cán bộ công an xã Thạch Hội đang làm nhiệm vụ tại khu vực bãi biển, nên kịp thời cùng người dân cứu được 2 em nhỏ vào bờ. Riêng em N.H.N.K (SN 2013), dù được đưa vào bờ sau đó nhưng đã tử vong.

Nỗi đau tai nạn đuối nước

Tại Nghệ An, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước khiến nhiều người tử vong, trong đó đa phần nạn nhân là trẻ em. Đơn cử vào đầu năm 2024, hai em nhỏ Trần Văn Hùng Phi (SN 2014) và Trần Văn Phúc (SN 2013), cùng trú xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An ra bờ sông Lam gần nhà để tắm thì không may lội vào vùng nước sâu, khiến cả 2 em mất tích. Sau hơn 2 ngày tìm kiếm, cơ quan chức năng mới tìm thấy thi thể của 2 em trên sông.

Tháng 4/2024, tại đập Khe Dứa (xóm 2, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) tiếp tục xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 em học sinh lớp 7 Trường THCS Nghĩa Thuận tử vong. Mới đây nhất ngày 27/5, em Sầm Duy Minh (SN 2008) và Sầm Hữu Nam (SN 2009) cùng trú xã Nghĩa An (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) rủ nhau ra sông Hiếu để tắm. Cả 2 em bị đuối nước rất thương tâm.

Theo thống kê, hằng năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An có số lượng trẻ em bị đuối nước chiếm tỷ lệ cao. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ tai nạn đuối nước làm 21 trẻ em tử vong. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh xảy ra 35 vụ đuối nước, trên 50 trẻ bị tử vong.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến học sinh, trẻ em bị đuối nước. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do thiếu sân chơi cho trẻ em vào mùa hè, trong khi đó một bộ phận gia đình lo đi làm ăn xa, các em nhỏ được gửi lại cho ông bà, người thân chăm sóc nhưng thiếu sự giám sát dẫn đến những hậu quả đau lòng trên. Ngoài ra, cơ quan chức năng địa phương chưa thật sự ưu tiên, quan tâm trong công tác phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em, người dân biết bơi còn hạn chế. Do vậy, tỷ lệ trẻ em đuối nước hằng năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn cao.

Theo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, để hạn chế đuối nước, trước hết cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, cộng đồng và xã hội. Đồng thời, các địa phương triển khai hoạt động phòng, chống đuối nước như: xây dựng mô hình “Trẻ em toàn xã biết bơi”, “Học sinh toàn trường biết bơi”; vận động các nguồn hỗ trợ tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho các trẻ; mở các lớp kỹ năng phòng, chống và cứu đuối cho trẻ em.

Trong năm 2023, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Theo đó, năm 2024 tỉnh đầu tư xây dựng 178 bể bơi di động. Trong đó, mỗi đơn vị cấp xã được hỗ trợ kinh phí đầu tư 1 bể bơi di động và hỗ trợ mức 20 triệu đồng trên một năm để tổ chức dạy bơi cho trẻ em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.