Ngày 6/4, trả lời Tiền Phong về việc ông H. P. T. ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đề nghị được cho khai thác “kho báu có 3 tấn vàng” dưới sông Cà Ty (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đây là lần thứ 3 ông T. gửi đơn đề nghị vấn đề này.
“Hiện tại, các cơ quan chức năng Bình Thuận đang hướng dẫn người dân làm đúng thủ tục. Quy định về việc này rất chặt chẽ. Nếu người dân cung cấp đủ hồ sơ như quy định, tỉnh Bình Thuận sẽ xem xét”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, ngoài trường hợp của ông T., Bình Thuận có những tin đồn và có người xin cấp phép đi tìm “kho báu” ở Núi Tàu (huyện Tuy Phong), “kho báu” ở huyện Tánh Linh, “kho báu” căn cứ 6… Tuy nhiên, đến nay chưa ai tìm được.
Trong khi đó, Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, trong 3 lần ông T. xin khai thác vật quý dưới sông Cà Ty đều không đúng quy định. Sở đã có trả lời cụ thể và yêu cầu người dân thực hiện đúng.
Theo đó, căn cứ Nghị định số 96/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam, Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Bình Thuận đã đề nghị ông T. phải cung cấp thông tin, tư liệu, hình ảnh...
Sông Cà Ty (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) - nơi ông T. xin khai thác kho báu. |
Ông T. phải chứng minh về nơi chôn giấu vật quý, tổ chức lập phương án thăm dò nơi chôn giấu “kho báu”. Ngoài ra, ông T. phải ký quỹ cam kết khắc phục môi trường, dự toán chi tiết kinh phí thăm dò, phương án bàn giao kết quả thăm dò cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, điều kiện lựa chọn tổ chức, cá nhân tổ chức khai quật, trục vớt nếu khi thăm dò phát hiện nơi chôn giấu vật quý…
Cụ thể, Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Bình Thuận yêu cầu ông T. cam kết ký quỹ khắc phục môi trường tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận 500 triệu đồng, sau khi được phê duyệt phương án thăm dò... Do đó, nếu ông T. đảm bảo các điều kiện thì Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Bình Thuận sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phương án thăm dò theo quy định.
Trước đó, ông H. P. T. ở Bạc Liêu đã 2 lần gửi đơn đến UBND TP. Phan Thiết và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận xin khai thác vật quý.
Trong đơn, ông T. trình bày, ông tổ của ông đã phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng 3 tấn vàng và vật quý dưới dòng sông Cà Ty (đoạn qua TP. Phan Thiết) hàng trăm năm trước. Do thời gian quá dài, tư liệu, hình ảnh không còn mà chỉ truyền miệng đến đời ông. Bây giờ, ông T. đã xác định được địa điểm nên làm đơn xin khai thác.
Nếu được cho phép, thời gian dự kiến khai thác từ 1/5 - 10/5 hoặc từ ngày 10/2/2025 đến 20/2/2025. Ông T. khẳng định sẽ phối hợp với 3 công ty xây dựng để khai thác và tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Ông T. đề nghị chính quyền địa phương cử 10 cán bộ công an bảo vệ an toàn trong thời gian khai thác và cử cán bộ tài chính kiểm kê tài sản sau khi khai thác được để đưa tài sản về kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận.
Ngoài ra, ông T. cũng yêu cầu tỉnh Bình Thuận cử 2 cán bộ có kinh nghiệm để xử lý chất nổ, nếu phát hiện chất nổ và tất cả chi phí đều do ông bỏ ra. Phương án khai thác của ông T. sẽ bao gồm sà lan, xe đào và công nhân trục vớt.
“Tôi xin cam kết nếu được sự cho phép sẽ ký quỹ khắc phục môi trường tại kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận, số tiền là 500 triệu đồng và xin nhận lại sau khi bàn giao mặt bằng như hiện trạng ban đầu. Tài sản khai thác được tôi xin nhận 30% tổng tài sản thu được, 70% còn lại tôi xin bàn giao cho kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận để các cấp lãnh đạo xử lý…”, ông T. nêu trong đơn.
Vào cuối năm 2023, ông T. cũng đã gửi đơn đến UBND TP. Phan Thiết đề nghị được khai thác “kho báu” 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty. Khi đó, UBND TP. Phan Thiết có văn bản trả lời, việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết và hướng dẫn ông T. gửi đơn đến Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Bình Thuận.