Cống Bà Xẩm (huyện Long Phú, Sóc Trăng) đóng để ngăn mặn. Ảnh: Nhật Huy |
Dùng sà lan chở nước thô về xử lý
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 32 nhà máy xử lý nước sinh hoạt cấp cho gần 100.000 hộ dân, trong đó có 27 nhà máy đang vận hành cấp nước và 5 nhà máy đang hoàn thiện giai đoạn cuối. Tuy nhiên, số liệu quan trắc của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre, đến giữa tháng 2/2024, hầu hết độ mặn tại các nhà máy nước đều vượt quy chuẩn nước sinh hoạt, chỉ còn số ít nhà máy nước có độ mặn dưới ngưỡng còn dùng ăn uống được.
Sở NN&PTNT Bến Tre đã tính tới giải pháp vận hành hệ thống xử lý nước RO (thẩm thấu ngược) tại các nhà máy nước để loại mặn, lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Một giải pháp khác cũng rất tốn kém là dùng sà lan chở nước ngọt chưa qua xử lý từ các vùng nước chưa nhiễm mặn, hoặc độ mặn thấp đến nhà máy có nước nhiễm mặn vượt chuẩn để xử lý cấp cho người dân. “Sở đã yêu cầu các nhà máy có độ mặn dưới 0,5%o lập dự trù kinh phí để vận chuyển nước ngọt bằng sà lan về xử lý cung cấp cho người dân”, ông Võ Tiến Sĩ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre nói.
Dự báo tình hình xâm nhập mặn còn kéo dài, nhiều địa phương khu vực miền Tây đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với hạn mặn cũng được các địa phương khuyến khích người dân thực hiện.
Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xâm nhập mặn tại miền Tây, từ tháng 6/2023, tỉnh Bến Tre đã có kế hoạch ứng phó với hạn mặn mùa khô năm nay. Tỉnh này đã đầu tư đắp đập Thạch Triệu, Cái Cỏ (huyện Châu Thành) để trữ nước ngọt cấp cho nhà máy Sơn Đông - nhà máy nước lớn nhất của tỉnh. Dự kiến, năm 2025, tỉnh Bến Tre sẽ thi công cống An Hóa và âu thuyền Bến Tre để ngăn mặn.
Bến Tre còn xây dựng kế hoạch khai thác 10 triệu m3 cát bồi tụ trên sông Ba Lai, vừa tận thu cát, vừa tạo “túi chứa nước ngọt” giữa lòng sông để ứng phó mùa hạn mặn. Ngoài ra, tỉnh này đang thực hiện dự án ‘túi nước’ ở Lạc Địa (huyện Ba Tri) với sức chứa 1,3 triệu m3, kinh phí 347 tỷ đồng. “Khi hoàn thành các dự án này, Bến Tre sẽ có nhiều ‘túi nước lớn’ giữa lòng sông để phục vụ người dân trong mùa hạn mặn”, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre kỳ vọng.
Người dân Bến Tre chắt chiu từng giọt nước ngọt, và phải pha nước ngọt mua từ sà lan với nước nhiễm mặn của nhà máy cấp để có thêm nước sinh hoạt. Ảnh: Hoà Hội |
Đề xuất những dự án lớn
Ông Đặng Văn Ngọ, Tổng Giám đốc Cty CP Cấp nước Sóc Trăng cho biết, mùa khô năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm trên diện rộng. Không chỉ Sóc Trăng, các tỉnh lân cận cũng thiếu nước sạch sinh hoạt. Từ ngày 8/2, nước mặn đã xâm nhập vùng nước sông nhà máy đang khai thác để xử lý, mức độ nhiễm mặn tăng từng ngày. “Không chỉ nước mặt, nguồn nước ngầm cũng bắt đầu nhiễm mặn. Dù vậy, các nhà máy vẫn phải khai thác để có nước phục vụ người dân. Có những giếng nhiễm mặn trước đây không khai thác, nay khai thác trở lại để pha vào nguồn nước không nhiễm mặn”, ông Ngọ chia sẻ.
Trước hiện trạng thiếu nước ngọt mùa khô, Cty nước Sóc Trăng đã đề xuất UBND tỉnh quy hoạch vị trí để đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt công suất 200.000m3/ngày đêm, cách TP. Sóc Trăng khoảng 20km. Trọng tâm của dự án là xây dựng hồ chứa nước sơ lắng quy mô lớn để tích trữ nước ngọt mùa mưa, dùng xử lý phục vụ người dân mùa khô. Đi kèm với đó là các dự án khoan thêm giếng nước tầng sâu, đầu tư mở rộng để tăng công suất một số nhà máy nước phía thượng nguồn, xây dựng thêm một số nhà máy xử lý nước mới, thêm hồ chứa nước 5ha tại huyện Châu Thành…
Nắng nóng 38 - 40 độ của những ngày cuối tháng 2/2024 khiến các dòng kênh, rạch vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) khô cạn. Các xuồng, ghe đứng yên tại chỗ trên “dòng sông chết”. Trên bờ, chính quyền địa phương cùng người dân ráo riết chặt tỉa, đốn hạ các cây xanh lớn, di dời vật nặng để giảm tải cho hệ thống giao thông đang sụt lún nhiều nơi, vì nước giảm kéo đất sụt.
Sông cạn, đường sạt lở, khó khăn chồng chất lên vụ thu hoạch lúa của nông dân Cà Mau. Lợi dụng tình hình khó khăn trong vận chuyển, nhiều thương lái ép giá lúa với lý do trừ vào chi phí vận chuyển tăng. Giá lúa trong khu vực xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) trước vụ thu hoạch được thương lái đặt cọc mua với giá 8 nghìn đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng 6,8 nghìn đồng/kg. Nếu không bán theo giá mới, thương lái không mua, hoặc trì hoãn thu hoạch gây thất thoát. Để chở lúa tập kết về các điểm giao thương lái, người dân phải thuê xe máy vận chuyển với giá 250 – 500 nghìn đồng/tấn.
Chính quyền huyện Trần Văn Thời ghi nhận, đến cuối tháng 2, toàn bộ 9 xã, thị trấn vùng ngọt của huyện đều xảy ra sạt lở, sụt lún đường giao thông. Sơ bộ có 107 tuyến đường bị sạt lở tại 341 vị trí, tổng chiều dài các đoạn sạt lở trên 9km, ước tính thiệt hại hơn 12 tỷ đồng.
Lo tình trạng hạn hán nặng sẽ tiếp diễn như mùa khô năm 2016 và 2020 gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, đường sá, mới đây lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã xuống trực tiếp các xã của huyện Trần Văn Thời để kiểm tra, bàn phương án ứng phó. Giải pháp mang tính tình thế được thực hiện ngay là cắt tỉa, đốn hạ các cây lớn dọc những tuyến kênh, đường có nguy cơ sạt lở; phân luồng, hạn chế xe tải nặng qua các tuyến đường đê khô cạn, nguy cơ sạt lở cao. Đặc biệt, các địa phương được yêu cầu không cho người dân nạo vét kênh, sông, rạch có đường giao thông quan trọng, dễ sạt lở. Thậm chí, phương án bơm nước biển, bùn vào các tuyến kênh khô đáy đã được tính tới, cân nhắc.
Tuyến đường liên xã ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) được gia cố tạm, có thể đổ sập bất kể khi nào do đất nền đã lún, sụt vì hạn hán. Ảnh: Tân Lộc |
Dù thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt mỗi mùa khô, nhưng thực tế các dự án cung cấp nước từ nguồn vốn xã hội hoá gặp không ít vướng mắc. Điển hình như dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải (tỉnh Tiền Giang). Dự án này nhằm dẫn nước mặt không nhiễm mặn từ thượng nguồn Sông Tiền (khu vực tỉnh Đồng Tháp) để cấp cho các nhà máy xử lý nước tại địa bàn 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre. Tổng vốn đầu tư dự án này trong giai đoạn 1 lên tới hơn 2.300 tỷ đồng. Dự án này được kỳ vọng sẽ đảm bảo nguồn cung nước ngọt vào mùa khô, tiết kiệm chi phí so với dùng sà lan chở nước cấp cho dân hoặc cho các nhà máy xử lý nước.
(Còn nữa)