Mỗi người đều âm thầm khát khao vượt thoát ra khỏi thứ sương mù trật tự và quyền lực đè nén nghiệt ngã của đời sống này, để trở về chính mình. Những đớn đau bất kham, dậy lên bao suy tư về mạnh-yếu đời người.
Trong vụ “xe lăn ăn phở” vừa ồn ào gần đây ở Hà Nội, tôi thấy cả hai bên có lẽ chẳng ai là người yếu thế. Với anh chàng TikToker, khuyết tật thân thể là có, nhưng là chủ trang cá nhân với hơn hai trăm ngàn lượt theo dõi, một cái tút có 4-5 chục ngàn người like, hơn hai chục ngàn bình luận, thì khó gọi là yếu thế, thậm chí ngược lại.
Có điều sự việc dẫn đến kết cục ngược đầy bi hài, bởi chủ thể ở đây đã sử dụng nhầm cái gọi là “quyền lực kẻ yếu” của mình, với câu chuyện được dựng lên nhiều chi tiết không có trong sự thật. Như đã từng có không ít người vốn yếu thế, nhưng vẫn tìm cách lợi dụng sự ủng hộ, thương cảm của số đông để “ngược đãi” lại người khác, với mục đích không bình thường nào đó.
Trong “Bay trên tổ chim cúc cu”, Dale Harding người đàn ông bị đưa vào trại điên chỉ vì đồng tính – một dạng bệnh “tâm thần” thời hơn nửa thế kỷ trước, thốt lên “Thế giới này thuộc về kẻ mạnh, bạn ạ! Nghi thức tồn tại của chúng ta dựa trên việc kẻ mạnh trở nên mạnh hơn bằng cách nuốt chửng kẻ yếu”. Nhưng cũng chính Ken Kesey dẫn lại một ý của triết gia Eric Hoffer, rằng quyền lực làm hư hỏng một số lượng người còn ít hơn là sự tha hóa của thành phần yếu đuối. Khái niệm “yếu đuối” ở đây để chỉ những người dựa trên thân phận thấp bé của mình để tha hồ biểu hiện thái độ hận thù, ác ý, thô lỗ, thiếu khoan dung và đa nghi.
Phức cảm của những người yếu thế thật không đơn giản. Đã có hẳn học thuyết nổi tiếng thế giới về “sức mạnh của kẻ yếu”. Nhưng ngay những vận động viên lực sĩ với đẳng cấp nổi bật đấu trường quốc tế, cũng dễ dàng thuộc về nhóm người yếu thế. Khi ngang nhiên bị ăn chặn từ suất ăn đến từng đồng tiền thưởng mà hầu như không ai dám lên tiếng.
Thế giới đang nói về Brooklyn Beckham, được sinh ra trong tổ kén vàng, lại làm rể một tỷ phú, gác ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá như cha, từ bỏ nghề người mẫu, đại sứ các thương hiệu lớn để chuyển sang làm đầu bếp. Hàng triệu cặp mắt trên thế giới đang săm soi, bình luận ác ý về chàng trai 25 tuổi “bất tài vô dụng” đâm đầu vào bếp. Chàng trai thẳng thắn thừa nhận mình không phải là đầu bếp giỏi, nhưng ẩm thực là niềm đam mê lớn nhất. Cũng chân thực như dòng chữ Do Thái quê hương của vợ xăm trên cánh tay trái “Tôi là của người tôi yêu và người tôi yêu là của tôi”.
Biết bao những đứa con “dát vàng” khác liệu có đủ dũng cảm lựa chọn như vậy không, để đi tìm và khẳng định danh tính đích thực của mình? Hay chấp nhận làm những kẻ yếu thế dưới bóng danh tiếng và tài sản của cha mẹ?