Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018

0:00 / 0:00
0:00
TPO - 13h30 chiều 20/12, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018).
Học và dạy theo chương trình đổi mới. Clip: Trọng Quân - Nghiêm Huê
TỌA ĐÀM CTGDPT 2018

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

20/12/2023 13:50

Giáo dục là quốc sách hàng đầu

Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó tổng biên tập báo Tiền Phong khẳng định giáo dục luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam coi là quốc sách hàng đầu. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, năm 2018, Bộ GD&ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông thay thế chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 1

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó tổng biên tập báo Tiền Phong

Cách tiếp cận trong việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khác biệt căn bản so với chương trình 2006, đó là chuyển từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Cùng với đó, là mục tiêu xã hội hóa SGK, một chương trình, nhiều bộ SGK. Việc thay sách theo hình thức cuốn chiếu độc lập từng cấp học bắt đầu từ năm 2020. Năm học tới, 2024 – 2025 chính thức kết thúc thay SGK từ lớp 1 đến lớp 12.

Chương trình mới với nhiều bộ SGK, mục tiêu giáo dục mới đã dẫn đến những thay đổi trong phương pháp dạy và học, trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên và quan trọng hơn là những điều chỉnh của các kì thi lớn như tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH để phù hợp với chương trình mới đã đặt ra rất nhiều bài toán cho các nhà quản lý, các thầy cô giáo nhiều câu hỏi với các em học sinh, phụ huynh, dư luận

Đội ngũ giáo viên chính những người tiên phong trong đổi mới. Đồng thời, khi đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục được coi như “chìa khóa” để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và thực hiện triển khai CT-SGK mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều giáo viên còn mắc bệnh “chạy” theo lý thuyết kinh điển, bám vào trí thức có sẵn trong SGK, không gắn với thực tiễn đời sống nên tỏ ra lúng túng, đi chệch hướng đổi mới.

Đó cũng là lý do mà ban tổ chức chúng tôi gồm Báo Tiền Phong và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức buổi tọa đàm này với chủ đề: Đổi mới thi cử, đánh giá theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Chúng tôi mong muốn nhận được câu hỏi của bạn đọc đến từ trong nước, ngoài nước. Những chia sẻ của diễn giả tại buổi tọa đàm này hy vọng sẽ phần nào giúp các thầy cô giáo, các vị phụ huynh, các em học sinh hiểu rõ hơn những thay đổi trong cách học, cách dạy, cách kiểm tra, đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018”, nhà báo Phùng Công Sưởng nói.

20/12/2023 14:06

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 2

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Mạnh Thắng

20/12/2023 14:19

Bộ GD&ĐT rất chủ động triển khai lộ trình thi tốt nghiệp THPT

Thưa GS. TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, ông có thể cho biết những nét đổi mới cơ bản nhất trong thi, kiểm tra đánh giá đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018?

- GS Huỳnh Văn Chương trả lời: Tôi có thể khẳng định Bộ GD&ĐT đang rất chủ động để triển khai bài bản và có lộ trình cho công tác thi tốt nghiệp THPT 2025.

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 3
GS. TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT

Như chúng ta biết, năm 2024 thì Bộ GD&ĐT phải làm 2 kì thi.

Thứ nhất, là kì thi tốt nghiệp 2024 theo chương trình GTPT 2006 và chúng tôi có dự kiến tổng kết quá trình. Và một phương án mới cho kì thi cho giai đoạn từ 2025 về sau. Chu kì đến năm 2032 mới kết thúc thi tốt nghiệp THPT theo chương trình 2018 đầu tiên.

Như vậy, Bộ đang chuẩn bị 2 kì thi một lúc để triển khai và đang chủ động trong chuyện này. Sau khi công bố phương án thi đúng với công bố với toàn xã hội vào cuối năm 2023 thì nay chúng tôi đã bước vào giai đoạn thứ 2 trong lộ trình.

Hiện nay chúng tôi tập huấn trong 7 ngày liên tục và việc xây dựng ngân hàng đề thi, đánh giá của kì thi tốt nghiệp từ năm 2025. Đối tượng là 63 tỉnh thành và các trường liên quan đến vấn đề thi cử và nhất là các trường Sư phạm.

Chúng tôi đang có lộ trình đưa ra định dạng đề thi. Chúng tôi cho rằng học sinh rất quan tâm đến vấn đề này xem đề thi có khác gì đề cũ không. Điều này Bộ cũng đã sẵn sàng và chuẩn bị kĩ và chúng tôi huy động đội ngũ tốt nhất làm điều này.

Sau khi cung cấp định dạng đề thi thì chúng tôi tiếp tục hoàn thiện về ngân hàng đề thi từ năm 2025. Các em yên tâm vì chúng tôi đã tính toán hết.

Việc thứ hai, nét mới mới trong công bố về kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thì phải nói, trước hết công bố phương án thi thì công bố môn thi chỉ là 1 trong 9 nội dung trong kỳ thi này. Từ mục tiêu, nguyên tắc, phân cấp , tổ chức, tổ chức CNTT cho đến xét tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp trong đó có môn thi. Nhưng học sinh và phụ huynh quan tâm nhất là môn thi là chính.

Những nét mới tôi nhấn mạnh thế này: Thi tốt nghiệp THPT chúng ta khẳng định, trước hết đánh giá cả quá trình dạy và học. Như vậy, không nên tập trung vào một kì thi cuối cấp nên đánh giá cuối kì rất quan trọng. Do vậy, chúng ta không nên quan điểm học để thi mà học để hướng nghiệp vào đời.

Chúng ta cần chú trọng đánh giá thường xuyên định kì, các nhà trường cần đánh giá khách quan, tin cậy cả quá trình. Cái này chúng ta phải thay đổi tư duy và quan điểm. Học sinh cũng vậy. Không nên tập trung chỉ vào một kì thi cuối cấp hay cuối kì mà việc đánh giá thường xuyên, định kì là quan trọng.

Chúng ta không nên quan niệm và tư duy học để thi mà học để vào đời.

Mặt khác, không nên tập trung vào một kì thi do vậy chúng tôi mong muốn giáo viên, nhà trường căn cứ vào quy định nhà nước để đánh giá đúng khách quan, trung thực, tin cậy cả quá trình. Đây là điều chúng tôi rất quan tâm để cuối cùng là để xét tốt nghiệp.

Với chương trình giáo dục phổ thông mới là có 3 mục tiêu.

Thứ nhất, để xét công nhận tốt nghiệp

Thứ hai, để phản ánh quá trình dạy và học. Đây là điều quan trọng phản ánh được chất lượng dạy và học

Thứ 3, là cơ sở dữ liệu tin cậy để xét tuyển đại học.

20/12/2023 14:22

Đánh giá năng lực học sinh được thực hiện xuyên suốt

Nhà báo Phùng Công Sưởng: ở bậc THPT, học sinh ngoài 4 môn bắt buộc, sẽ học một số môn tự chọn. Theo lí giải của những người xây dựng chương trình giáo dục 2018 thì THPT là bậc học hướng nghiệp. Vậy ông có thể lí giải mối quan hệ giữa thi tốt nghiệp THPT từ 2025 chỉ còn 4 môn và đánh giá năng lực toàn diện của học sinh, thưa GS.TS Huỳnh Văn Chương?

- GS Huỳnh Văn Chương trả lời: Việc thay đổi học sinh thi 4 môn trong đó 2 bắt buộc 2 tự chọn có ý nghĩa rất lớn trong việc đánh giá năng lực toàn diện của học sinh.

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 4

GS.TS Huỳnh Văn Chương

Về việc chọn học sinh được chọn 2 môn trong số 9 môn đã gây áp lực rất nặng cho bộ khi chuẩn bị đề thi, Bộ phải chuẩn bị đề thi tới 17 môn, chuẩn bị sẵn sàng đề thi để phù hợp với lựa chọn của tất cả các em.

Theo tôi, việc đánh giá năng lực toàn học sinh đã được thực hiện xuyên suốt trong quá trình dạy và học. Việc chọn môn thi giúp đánh giá sâu hơn năng lực học tập của các em.

Chúng ta có thể nói THPT là bậc học hướng nghiệp bởi ở bậc học này giáo dục cần tăng cường tư vấn học đường, định hướng dần hướng phát triển trong tương lai của học sinh và cho học sinh lựa chọn theo sở thích và thế mạnh của mình để có động lực phát triển hơn.

Thực tế trên thế giới đã phát triển bậc học hướng nghiệp từ rất lâu rồi, việc Việt Nam phát triển theo hướng này là tiếp cận thế giới. Việc lựa chọn môn học giúp học sinh giảm áp lực hơn trong học tập và thi cử.

2 môn thi bắt buộc có thể gọi là 2 môn học xây dựng con người, xây dựng tư duy và 2 môn tự chọn giúp học sinh định hướng nghề nghiệp và tương lai. Sự thay đổi này thật sự tăng cơ hội hướng nghiệp, giảm áp lực và giảm thời gian, giảm chi phí cho học sinh

Để làm được điều đó, công tác tư vấn học đường rất quan trọng và phải thực hiện mạnh ngay từ lớp 10.

20/12/2023 14:41

Xã hội cần giảm áp lực thành tích cho thầy cô

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Được biết PGS Bùi Mạnh Hùng từng công tác tại trường ĐH Sư phạm TPHCM, lại tham gia viết sách, tập huấn SGK cho giáo viên, ông nhận định việc kiểm tra đánh giá trong các trường hiện nay đã tiệm cận với yêu cầu của chương trình GDPT mới hay chưa?

PGS Bùi Mạnh Hùng: Trong thời gian qua, các CBQL và giáo viên trên cả nước đã có nhiều nỗ lực đổi mới kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu của CT GDPT 2018. Với môn Ngữ văn, yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá của CT 2018 còn được cụ thể hóa qua Công văn 3175 của Bộ Giáo dục và ĐT, trong đó có quy định về ngữ liệu được dùng để ra đề.

Nói chung, các đề kiểm tra, đề thi giữa kì, cuối học kì ở các địa phương đều đã được thiết kế theo định hướng mới. Thế nào là mới? Mới là kiểm tra, đánh giá năng lực của HS, chứ không phải kiểm tra, đánh giá kiến thức thuần túy, chẳng hạn chỉ kiểm tra đánh giá khả năng HS đọc hiểu một đoạn văn, viết một bài văn thuộc một kiểu loại nhất định, chứ không phải yêu cầu HS trình bày một khái niệm, cho biết thông tin về một nhà văn hay một tác phẩm,…. Việc kiểm tra, đánh giá kiến thức chỉ được tích hợp, lồng ghép trong các câu hỏi kiểm tra kĩ năng đọc hiểu và viết. Kiểm tra, đánh giá mới cũng đang từng bước loại bỏ khả năng HS trả lời câu hỏi chỉ dựa vào ghi nhớ và sao chép. Trong thời gian qua, đổi mới kiểm tra, đánh giá đã thúc đẩy GV thay đổi bản thân. Nhiều thầy cô siêng đọc sách hơn, năng động trong việc tìm kiếm tư liệu, văn bản, nhất là tác phẩm văn học và tự nâng cao trình độ thẩm định văn bản. Đó là điều tích cực, rất đáng ghi nhận.

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 5

PGS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt - Ngữ Văn, bộ sách 'Kết nối tri thức với cuộc sống'

Tuy vậy, bên cạnh xu hướng đổi mới là chủ đạo và rất đáng mừng thì hoạt động kiểm tra, đánh giá vẫn còn một số mặt hạn chế, vướng mắc.

Thứ nhất là một số đề kiểm tra, thi quá dài, vượt quá thời gian làm bài của HS, gây quá tải. Hạn chế này trước hết có lí do khách quan, nguồn VB ngoài SGK thuộc thể loại cần kiểm tra, đánh giá không dồi dào; sau đó là lí do chủ quan: khả năng tìm kiếm của GV còn hạn chế và các thầy cô chưa có kinh nghiệm xử lí, rút gọn ngữ liệu, chọn đoạn trích phù hợp (đặc biệt là đối với thể loại truyện).

Thứ hai, một số câu hỏi trong đề kiểm tra, đề thi ở các nhà trường chưa chuyển biến kịp theo mục tiêu kiểm tra, đánh giá mới. Nhiều GV vẫn có thói quen thiết kế các câu hỏi thuần túy kiểm tra kiến thức, đáng ngại nhất là câu hỏi trắc nghiệm khách quan để kiểm tra kiến thức về tiếng Việt của HS. Trong Việt ngữ học, có nhiều vấn đề còn gây tranh cãi như ranh giới giữa từ với cụm từ, câu đơn với câu ghép,… hay một số loại đơn vị ngôn ngữ ranh giới đôi khi mơ hồ như từ ghép với từ láy, động từ với tính từ,... Thiết kế câu hỏi trắc nghiệm khách quan để kiểm tra kiến thức có liên quan đến những vấn đề đang còn gây tranh cãi thì hoàn toàn không nên. Đó là chưa kể GV có thể có nhầm lẫn về kiến thức. Ngay cả khi câu hỏi đúng thì việc HS trả lời chính xác những câu hỏi trắc nghiệm khách quan đó cũng không phải là bằng chứng về năng lực sử dụng ngôn ngữ của người học. (Xin mở ngoặc nói thêm là câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức nếu thiết kế đúng thì có thể được dùng để giúp HS rà soát, củng cố kiến thức vừa học, nghĩa là dùng trong đánh giá thường xuyên (mà không cho điểm). Nó rất khác với việc dùng câu hỏi trắc nghiệm khách quan kiểm tra kiến thức để qua đó đánh giá năng lực của HS. Hai chuyện khác nhau.).

Thứ ba là đâu đó vẫn có tình trạng đối phó khi ra đề thi, có thể xuất phát từ bệnh thành tích. Một số GV tuy có dùng ngữ liệu ngoài SGK để ra đề thi, nhưng sẽ cho HS biết trước 4 – 5 ngữ liệu trong đề cương ôn tập, kèm theo câu hỏi cho sẵn (có thể không có đáp án). Còn phần viết thì GV sẽ ra kiểu đề thật mở, kèm cụm từ “tác phẩm em yêu thích”. HS viết theo những gì đã chuẩn bị trước, các em chỉ cần ôn một đề. Chất lượng kiểm tra, đánh giá nhiều nơi chưa phải là hoàn toàn thực chất.

Những hạn chế, vướng mắc này có thể khắc phục được khi GV đã thấm nhuần được tinh thần đổi mới, được tạo điều kiện để trau dồi về chuyên môn, và đặc biệt là được cải thiện điều kiện sống, làm việc và không chịu áp lực của bệnh thành tích.

20/12/2023 14:45

Chúng ta đang đứng trước một cuộc cách mạng

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Đứng từ góc độ là người quản lí, người thực hiện những yêu cầu đổi mới, thầy Nguyễn Cao Cường có thể chia sẻ công việc kiểm tra đánh giá học sinh đang diễn ra như thế nào tại các trường?

- Thầy Nguyễn Cao Cường trả lời: Chủ đề tọa đàm hôm nay tôi đánh giá rất hot vì đã chạm đến người người, nhà nhà.

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 6

Thầy Nguyễn Cao Cường - tác giả SGK Toán THCS, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh

Tôi muốn nói rằng, ở các cơ sở giáo dục hiện nay chúng ta đang thực hiện 1 cuộc cách mạng mà thời điểm này đang là lúc chuyển giao, giao thời của SGK 2006. Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang hướng dẫn bài bản, nghiêm túc với những lớp thực hiện 2006 kiểm tra đánh giá với học sinh lớp 9 hiện nay.

Còn với kiểm tra đánh giá với học sinh học theo chương trình phổ thông 2018 thì tôi cho rằng chúng ta đang đứng trước một cuộc cách mạng. Chúng tôi quan điểm thành công trong cuộc đổi mới giáo dục lần này phụ thuộc rất lớn vào người thầy.

Chúng tôi nhận thấy các thầy cô tích cực, vào cuộc mạnh mẽ từ việc dạy học. Các trường từ đồng bộ các khâu từ đánh giá thường xuyên, kiểm tra định kì. Và rõ ràng có những thầy cô, nhà trường đang rất tích cực. Chúng tôi thường nói vui với nhauy, đứng trước cuộc đổi mới thì nếu có thiện chí thì khó mấy cũng có thể làm được. Còn không có thiện chí sẽ tìm lí do.

Ở đâu đó, có một vài thầy cô chưa tích cực thì vẫn có. Nhưng trong 3 năm cấp THCS và 2 năm ở THPT thì thấy có sự thay đổi rõ nét.

Trước đây chỉ nghĩ một bài kiểm tra đánh giá được việc học của học sinh thì nay kiểm tra rất toàn diện. Nhiều thầy cô đã có sự sáng tạo, có tâm lớn thực hiện nhiều bài kiểm tra giúp học sinh có thể cải thiện được kết quả học tập của mình. Đây là tín hiệu mừng khi thầy cô vào cuộc.

Nếu cuộc cách mạng mà đòi hỏi việc tiến hành sẽ dễ dàng thì khó có cuộc cách mạng triệt để. Nếu ở đâu đó có những giáo viên, nhà trường chỉ làm cho đúng nhiệm vụ của mình thì kết quả sẽ rất hạn chế. Nhiều thầy cô đã đi theo lối mòn về tư duy, tư liệu, phương pháp giảng dạy thì sẽ có sự cố hữu ở giáo viên.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta cần thời gian để giáo viên hiểu được sứ mệnh của mình trong quá trình đổi mới.

Tôi nhận thấy giáo viên, cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm để thực hiện tốt chiến lược của ngành giáo dục. Chúng ta cần có kết quả tốt từ cơ sở giáo dục để có thể đánh giá tốt hơn ở các kì thi cao hơn như kì thi tốt nghiệp từ năm 2025.

20/12/2023 14:58

Học sinh phấn khởi được giảm tải môn thi

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 7

Lê Tuệ Nhi, học sinh lớp 11D3, Trường THPT Trần Phú

Trước câu hỏi là những học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 học theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, từ lớp 10 được học theo chương trình giáo dục phổ thông mới; trong quá trình học, có sự khác nhau như thế nào giữa hai chương trình về các đề kiểm tra, các yêu cầu cần đạt được của các môn học, Lê Tuệ Nhi, học sinh lớp 11D3, Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết khi vào lớp 10, kiểm tra đánh giá có nhiều thay đổi. Cụ thể nhất là môn Ngữ văn, khi ngữ liệu trong đề thi không nằm trong SGK chương trình học. Trước yêu cầu đó, bắt buộc học sinh phải hình thành kĩ năng đọc, hiểu văn bản thay vì học thuộc văn bản trong SGK.

Tuệ Nhi cũng cho biết khi Bộ GD&ĐT công bố thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn thì em khá bất ngờ, nhất là môn tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc. Với Tuệ Nhi, đó là tín hiệu tích cực để em tập trung ôn luyện kiến thức cho các môn thi.

“Việc chỉ thi 4 môn đồng nghĩa với việc giảm tải, giảm thời gian thi cho thí sinh. Nhưng cũng có lo lắng là có thể chỉ dựa vào 4 môn thi, học sinh có thể tự hạn chế kiến thức của mình. Điều này cũng dẫn đến những hậu quả như khi vào ĐH, học kiến thức các môn không lựa chọn thi, sẽ phải học lại từ đầu”, Tuệ Nhi nói.

20/12/2023 15:19

Chương trình 2018 đòi hỏi thầy cô phải nghiên cứu kĩ lưỡng

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Thưa thầy Nguyễn Cao Cường, theo thầy, với môn Toán, chương trình mới yêu cầu giáo viên đổi mới phương pháp dạy như thế nào để đạt được yêu cầu hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh và đo được sự tiến bộ mà học sinh đạt được qua thời gian học tập?

- Thầy Cường trả lời: thực tế môn Toán nói riêng và môn học khác nói chung trong chương trình giáo dục mới 2018 thì các thầy cô đã được tập huấn và tiếp cận là hình thành năng lực của người học thông qua cách tiếp tổ chức hoạt động.

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 8

Thầy Nguyễn Cao Cường

Trước đây, học sinh tiếp cận theo cách: tiếp cận, ghi nhớ và áp đặt, ghi nhớ đơn vị kiến thức theo cách “thầy bảo gì trò nghe nấy”. Với chương trình 2018 đòi hỏi thầy cô giáo phải nghiên cứu kĩ lưỡng để nhằm hình thành năng lực theo mục tiêu chung nhằm đáp ứng năng lực chung yêu cầu và năng lực đặc thù của môn Toán. Chính bởi mục tiêu đó, nên thầy cô phải thiết kế các hoạt động làm sao để học sinh có thể chủ động chiếm lĩnh được kiến thức.

Và chính quá trình tham gia các hoạt động của thầy cô tổ chức thông qua phương pháp dạy học nhằm tích cực hóa học sinh thì năng lực của học sinh dần được hình thành theo các chương bài, bài học. Bởi vậy, buộc thầy cô phải nghiên cứu, tìm hiểu kĩ lưỡng và nhiều hơn.

Về kiểm tra, đánh giá thì không có gì mới lạ. Với Việt Nam chúng ta thầy cô thực hiện nhiều năm nay với 4 mức độ của các câu hỏi: thấp nhất là nhận biết, tiếp đến là thông hiểu và cao hơn là vận dụng và vận dụng cao.

Ở mỗi mức độ đó quy chiếu về các môn học thì thầy cô có ma trận đặc tả.

Chính thước đo này khiến thầy cô có quan điểm rất rõ trong quá trình biên soạn các bài tập điểm kiểm tra thường xuyên, định kì học sinh.

Với yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục 2018, thầy cô gia cố nhiều hơn nữa. Những câu hỏi môn Toán không chỉ áp đặt mà cần thiết kế với mỗi học sinh có năng lực khác nhau thì đánh giá đúng năng lực học sinh.

Việc đánh giá môn Toán cần đồng bộ từ tiết giảng dạy trên lớp, tương tác thầy cô với học sinh, bài kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kì đều trong một quy trình chứ không thực hiện máy móc trước đây.

Rõ ràng những thách thực lớn là vận dụng khả năng kiến thức làm sao vừa phù hợp với yêu cầu chương trình lại vừa phù hợp với năng lực học sinh tại trường của mình, vùng của mình. Câu chuyện ở đây là thầy cô phải thiết kế để hài hòa, vừa sức với học sinh.

20/12/2023 15:23

Ngữ văn không chỉ đọc hiểu một văn bản

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 9

Trải nghiệm hai chương trình 2006, 2018, Tuệ Nhi cho biết khó khăn lớn nhất khi học chương trình mới ở THPT là khả năng tự học cao.

Ở chương trình cũ, thầy cô hướng dẫn cặn kẽ nhưng ở chương trình mới, học sinh phải tự mở rộng kiến thức, đào sâu kiến thức của mình. Vấn đề thứ hai là khả năng bao quát kiến thức toàn diện hơn.

Ví dụ, ở chương trình cũ, Ngữ văn bậc THCS, học sinh nghe, ghi ý giảng của thầy cô, đưa vào bài kiểm tra là được điểm cao.

Nhưng bậc THPT theo chương trình mới thì ngữ văn không chỉ đọc hiểu một văn bản, mà còn là hiểu toàn bộ một đề tài.

Mặc dù khó khăn để bắt đầu, nhưng có cơ hội tiếp cận nhiều hơn văn bản khác, tiếp xúc sâu hơn một văn bản.

20/12/2023 15:30

Cần có định hướng khai thác dữ liệu trong sách giáo khoa

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Thưa PGS Bùi Mạnh Hùng, môn Ngữ văn là môn học duy nhất thi tự luận trong các kì thi hiện nay. Với một chương trình, nhiều bộ SGK như chương trình mới, theo GS, giáo viên, học sinh nên khai thác, sử dụng SGK như thế nào để đạt hiệu quả như mong muốn?

PGS Bùi Mạnh Hùng trả lời: Trước hết, xin khẳng định Bộ GD&ĐT quy định môn Ngữ văn thi tự luận là một quyết định hết sức đúng đắn. Quy định này nhất quán với tinh thần đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh theo CT GDPT 2018.

Như đã trên, trong thời gian qua, Công văn 3175 của Bộ GD và ĐT đã có những quy định giúp cụ thể hóa định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá của CTGDPT 2018, trong đó có quy định không dùng ngữ liệu đã học trong SGK để đánh giá kĩ năng đọc, viết của HS trong các kì thi cuối kì, cuối năm, cuối cấp. Những quy định kiểu như vậy đã tạo ra thực tế mới ở các nhà trường, tạo điều kiện cho việc đổi mới kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 10

PGS Bùi Mạnh Hùng

Do tình trạng dạy học theo “văn mẫu” từ lâu đã khá trầm trọng và kéo dài, nên quy định tránh dùng ngữ liệu đã học trong SGK để kiểm tra, đánh giá định kì trong CV 3175 có thể coi như là một “giải pháp kĩ thuật”, phù hợp với tình hình hiện nay. Nhưng giải pháp này dễ làm cho nhiều người quên mất bản chất của đổi mới là nhằm khắc phục tình trạng HS học thuộc lòng, sao chép máy móc những gì đã học, đã luyện, chứ vấn đề không phải là ngữ liệu trong hay ngoài SGK. Nếu dùng ngữ liệu đã học trong SGK mà vẫn chống được tình trạng văn mẫu thì vẫn tốt. Chỉ có điều trong tình hình hiện nay, cái khả năng “nếu” khó xảy ra. Bên cạnh đó, với những kì thi trên diện rộng, HS được học 3 bộ SGK khác nhau, quy định ngữ liệu trong đề thì phải nằm ngoài 3 bộ sách là không có gì phải bàn vì không thể khác.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, khi thi tốt nghiệp THPT 2025, đề thi chỉ dùng VB mới thì liệu có xảy ra tình trạng HS sẽ lơ là việc học tác phẩm trong SGK hay không. Rõ ràng, việc không coi trọng, không chú tâm học những văn bản rất đặc sắc trong SGK mà chỉ tập trung luyện thi theo mẫu đề của Bộ là sự lệch lạc, vì nếu không học đọc, viết một cách chăm chỉ các bài học trong SGK thì học sinh không thể nắm vững tri thức ngữ văn và khó có thể phát triển kĩ năng vận dụng tri thức ngữ văn để đọc, viết để đáp ứng yêu cầu của kì thi tốt nghiệp THPT và các kì đánh giá năng lực khác. Tuy vậy, nếu chúng ta không thấy trước nguy cơ và có giải pháp phù hợp thì tình trạng lệch lạc đó có thể sẽ xảy ra. Lâu nay, học sinh vẫn có thói quen thì gì học đó.

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 11

PGS Bùi Mạnh Hùng

Để tạo động lực học tập cho học sinh, chúng ta cần tăng cường sử dụng các văn bản đã học trong SGK cho đánh giá thường xuyên. Làm sao để các em thấy được học kĩ các bài học trong SGK không chỉ phát triển được năng lực đọc, viết, nói và nghe cho bản thân mà còn giúp các em đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra trong đánh giá quá trình và qua đó, có khả năng hoàn thành tốt các bài thi cuối kì, cuối năm, cuối cấp và thi tốt nghiệp.

Xin lưu ý, công văn 3175 của Bộ chỉ quy định tránh dùng ngữ liệu "đã học trong SGK" trong đánh giá cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học. Vì vậy, nếu trong bối cảnh HS không thấy được giá trị, tầm quan trọng của nội dung bài học trong SGK thì các nhà trường vẫn có thể dùng ngữ liệu đã học trong SGK không chỉ cho đánh giá thường xuyên mà còn cho cả đánh giá giữa học kì. CV 3175 cũng viết "ngữ liệu đã học trong SGK", như vậy, nếu HS học bộ SGK A thì vẫn có thể dùng văn bản trong SGK B và C vì tuy là trong SGK, nhưng là bộ sách khác, học sinh của chúng ta chưa học. Bằng cách đó, chúng ta có thể tận dụng được nguồn văn bản có giá trị mà các nhóm tác giả SGK đã lựa chọn được.

20/12/2023 15:39

Thay đổi thi cử giúp thay đổi về quan niệm văn học

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 12

Nhà báo Phùng Công Sưởng

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Thưa PGS Bùi Mạnh Hùng, với môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT cũng như dư luận phải luôn mong muốn nói không với văn mẫu. Vậy ở chương trình giáo dục mới, SGK cũng như các yêu cầu của môn học sẽ giải quyết vấn đề văn mẫu này như thế nào?

- PGS Bùi Mạnh Hùng trả lời: CT GDPT môn Ngữ văn 2018 và Công văn 3175 quy định về cách thức ra đề kiểm tra, đánh giá định kì là cơ sở pháp lí và chuyên môn vững chắc để “nói không với văn mẫu”. Các bộ SGK mới cũng đã được biên soạn theo mô hình phát triển năng lực của người học. Các bộ SGK Ngữ văn thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, CTST, CD tuy có cách triển khai chương trình khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu phát triển năng lực của người học. Chẳng hạn, về đọc, SGK chú trọng giúp HS đọc để nắm được cách đọc VB thuộc các thể loại hay loại VB khác nhau (qua việc nắm được các tri thức ngữ văn công cụ và thực hành đọc theo mô hình thể loại), nhờ đó các em có khả năng đọc một VB hoàn toàn mới thuộc thể loại hay loại VB đã học. Về viết, SGK mới thiết kế quy trình thực hành viết theo kiểu bài, từ các kiểu bài đã thực hành, các em có kĩ năng viết nhiều VB đa dạng thuộc những kiểu bài mà các em đã học. Nghĩa là chúng ta đã có được một số điều kiện căn bản để đổi mới căn bản, toàn diện việc dạy học môn Ngữ văn, trong đó tinh thần cốt lõi là thoát khỏi “văn mẫu”. Nói “thoát khỏi văn mẫu” nghe thì đơn giản nhưng đằng sau đó là sự thay đổi về bản chất của nền giáo dục, nó liên quan đến việc thay đổi mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra, đánh giá. Vấn đề là tất cả có sẵn sàng từ bỏ và nỗ lực để thực hiện hay không mà thôi.

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 13

Một số GV vẫn còn tư duy theo lối cũ, muốn dạy học và kiểm tra đánh giá theo cách như lâu nay. Một số người vẫn muốn dạy HS ôn luyện theo đề cương, theo một số tác phẩm và đề bài cho sẵn. Đọc bài văn của HS thì có thể hay nhưng từ ý tưởng đếu câu chữ đến không phải là của các em mà là kết quả của học thuộc, sao chép. Đó là một rào cản lớn cho việc nói không với “văn mẫu”. Nhiều người băn khoăn, các nhà phê bình chuyên nghiệp, GV phải mất mấy ngày, mấy tháng nghiên cứu thì mới có được sự tiếp nhận đầy đủ, sâu sắc một truyện ngắn, một bài thơ,… Vậy trong vòng mấy chục phút, nếu HS không có thông tin gì về bối cảnh sáng tác, thân thế, sự nghiệp tác giả thì làm sao hiểu được một cách sâu sắc để viết được? Câu trả lời là: Đề thi, đáp án đề thi chỉ yêu cầu đọc hiểu một VB hay một đoạn trích ở mức độ yêu cầu dành cho HS phổ thông, các em chỉ cần nắm được nội dung của VB, một vài nét nổi bật trong cách thức biểu đạt nội dung đó và liên hệ nội dung VB với thực tiễn đời sống hay trải nghiệm của bản thân các em,… Tất cả đều ở mức phổ thông. Khi trưởng thành, các em đọc sách báo, tác phẩm văn học cũng chỉ ở mức như vậy, chứ không đòi hỏi HS viết như một nhà nghiên cứu, phê bình. Còn nếu muốn cho HS viết về những gì đã học để bài thi có chiều sâu thì cái chiều sâu đó là của người khác, không phải của chính các em. Lâu nay, chúng ta quá quen với tình trạng đó, nay cần phải thay đổi.

Nếu dạy học Ngữ văn mà HS chỉ có thể lặp lại những gì đã học thì cần xem lại mục tiêu của môn học này. Ngữ văn không phải môn học cung cấp kiến thức về tiếng Việt và về văn học. Nếu chỉ như vậy thì môn học này không có vị thế, vai trò đặc biệt như đã được xác định lâu nay trong nhà trường phổ thông, không chỉ ở Việt Nam mà ở gần như tất cả các nước trên thế giới. Môn Ngữ văn trước hết và chủ yếu là giúp HS có khả năng đọc, viết, nói và nghe; tất cả những gì HS có thể có được, trong đó có cả khả năng cảm thụ văn học, thưởng thức thẩm mĩ cũng như phẩm chất nhân ái, đồng cảm, khoan dung,… đều phải thông qua đó. Nếu không có khả năng đọc, viết, nói và nghe tốt thì HS không được học điều gì tốt đẹp từ môn Ngữ văn cả. Cho nên cần phải nói rõ đề cao mục tiêu phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe không phải là làm phai nhạt bản chất, thế mạnh của môn Ngữ văn mà là ngược lại, giúp môn Ngữ văn phát huy được vai trò, sứ mạng của nó trong nhà trường. Giải quyết vấn nạn “văn mẫu” chính là để thực hiện mục tiêu dạy học Ngữ văn trong CT GDPT 2018.

Cần phải thấy được việc giải quyết vấn nạn “văn mẫu” không chỉ là vấn đề của CT và SGK, thậm chí cũng không chỉ là của ngành giáo dục mà còn là vấn đề của xã hội. Xã hội phải từ bỏ được bệnh thành tích để hỗ trợ cho công cuộc chống “văn mẫu” nói riêng và phát triển một nền giáo dục lành mạnh và thực chất nói chung. Việc đánh giá phải đi vào thực chất, vì vậy, nếu điểm học bạ của HS và kết quả kiểm tra, đánh giá theo CT GDPT 2018 thấp hơn so với trước đây, thời kì mà tình trạng làm bài theo văn mẫu trở nên khá phổ biến thì chúng ta nên coi đó là chuyện bình thường, không quy kết là chất lượng giáo dục đi xuống. Còn nếu ngành giáo dục vẫn tiếp tục đứng trước sức ép thành tích, phụ huynh học sinh và các địa phương vẫn muốn HS phải có điểm học bạ đẹp và điểm thi tốt nghiệp cao thì việc chống “văn mẫu” nói riêng và phát triển một nền giáo dục lành mạnh, đúng thực chất sẽ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

20/12/2023 16:02

Chúng ta phải thay đổi tư duy, không phải cứ đi học là phải đi thi

Giáo viên ở các trường còn phải đứng hai vai vừa dạy chương trình mới, vừa dạy chương trình cũ, vậy theo thầy Nguyễn Cao Cường, hiện nay, giáo viên đang gặp phải những khó khăn trở ngại như thế nào? Những khó khăn này liệu có hết khi hoàn thành thay SGK theo chương trình mới?

Thầy Nguyễn Cao Cường trả lời: Khi thực hiện một cuộc cách mạng thay đổi, đứng trước cái mới, các thầy cô với tư tưởng ưa truyền thống, muốn giữ lại những gì tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua, sẽ có định kiến như thế mới là đúng.

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 14

Thầy Nguyễn Cao Cường

Bước vào thực hiện đổi mới đánh giá, trường chúng tôi và một số trường khác còn có những e dè. Đầu tiên là ngại làm bởi nếu sử dụng những gì đã có sẵn trong kho sẽ dễ dàng và tiết kiệm nhiều thời gian.

Ngoài ra, ở đâu đó vẫn còn câu chuyện thành tích. Nếu không đạt được đích đến đặt ra ban đầu, chắc chắn sẽ nảy sinh những băn khoăn. Trở ngại đầu tiên là góc độ về mặt tâm lý.

Thứ hai là trở ngại về khả năng. Khi có yêu cầu đánh giá người học qua năng lực, đánh giá từ kỹ năng ra đề, sẽ có cản trở về khả năng của thầy cô. Sau ba năm áp dụng, đến nay vẫn chưa có một đánh giá tổng thể nào hay tổng kết để chúng ta rút ra được những thuận lợi và hạn chế.

Kể cả đối với cấp THCS, chưa một lần nào áp dụng công thức mới trong kỳ thi vào lớp 10. Đối với THPT, 2025 mới bắt đầu áp dụng. Chưa có một tiền lệ nào để từ đó soi rọi và rút kinh nghiệm.

Các thầy cô giáo chia sẻ nhận thức của cha mẹ học sinh và người học rất quan trọng. Mặc dù nhà trường và thầy cô đã có định hướng là đổi mới chương trình hướng đến sự phát triển toàn diện, chứ không phải mới bắt đầu cấp học đã nghĩ đến chuyện thi như thế nào.

Chính tư duy nhìn vào giáo dục là nghĩ đến thi cử tạo ra tầm nhìn hạn hẹp. Chúng ta cần phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận đối với việc học. Đối với học sinh lớp 9, khi tốt nghiệp THCS, vai trò kết thúc cấp học thì việc đánh giá không phải dựa vào thi cử, mà là quá trình học tập.

Nhưng nếu mục đích là để lên lớp 10, vai trò sẽ khác, đó là buộc phải vượt qua một kỳ thi. Tương tự, nếu đích đến của học sinh chỉ là tốt nghiệp THPT sẽ khác hẳn với mong muốn sử dụng kết quả thi để xét đại học.

Tư duy đó tạo ra áp lực cho thầy cô ngay từ lớp học đầu cấp là đào tạo học sinh như những vận động viên chuyên nghiệp sẵn sàng cho cuộc đấu trí trong tương lai. Đâu đó còn có tư duy học gì thi nấy. Nếu tập trung vào đánh giá năng lực học sinh, sau khi kết thúc một cấp học, sẽ căn cứ vào năng lực đó để chọn ra hướng đi phù hợp. Điều đó mới là quan trọng.

20/12/2023 16:14

Đừng nghĩ chỉ dừng lại ở việc thi 4 môn

Nhà báo Phùng Công Sưởng: Thưa GS Huỳnh Văn Chương, định hướng của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới đối với thi, kiểm tra đánh giá học sinh như thế nào? Yêu cầu đối với giáo viên ra sao bởi từ năm học 2024 – 2025, chúng ta hoàn thành chu kì thay SGK theo chương trình mới?

- GS Huỳnh Văn Chương trả lời: Trước hết khẳng định xã hội nên chia sẻ điều này, chúng ta đang trong công cuộc đổi mới chương trình 2018. Kì thi sẽ làm lộ trình dài đến 2032, lúc đó kì thi sẽ hoàn thiện hơn.

Tọa đàm đổi mới đánh giá, thi cử theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ảnh 15

GS Huỳnh Văn Chương

Chúng ta đều biết, chưa có phương án thi nào trên thế giới và Việt Nam là hoàn hảo cả. Chọn phương án tốt nhất trong các phương án phù hợp thôi.

Tôi chia sẻ thêm, trước hết, chúng ta cần nhận thức được các vai trò các môn học ngang nhau thì lúc đó mới tích tụ được năng lực và phẩm chất trên cơ sở nền tảng kiến thức và kĩ năng. Như vậy, các môn học quan trọng như nhau chứ không có môn nào quan trọng hơn. Các môn nên học đều như nhau, có giá trị như nhau.

Các em cuối cấp thì bên cạnh học đều các môn thì các em cần chú trọng đến môn định hướng nghề nghiệp vì đó là quyền của các em. Các em chủ động việc này. Có những môn rất mới các em cần nghiên cứu để xét tuyển đại học: tin học, pháp luật và kinh tế pháp luật, công nghệ,... Ưu thế môn ngoại ngữ thì các em đăng ký thi là bình thường.

Sau khi có phương án thi thì nhà trường cần có tư vấn học đường để định hướng cho các em thì từ lớp 10 để xuyên suốt trong 3 năm kể cả các môn âm nhạc, giáo dục thể chất.

Tôi cũng nghĩ rằng, phụ huynh cũng cần tạo cơ hội cho các em lựa chọn theo sở thích của mình. Biết được xu thế của các em có thế mạnh nào?

Nhà trường thì ngoài đánh giá tốt nghiệp còn cần đánh giá việc dạy và học. Do vậy, đừng nghĩ chỉ dừng lại ở việc thi 4 môn để xét tốt nghiệp. Nhà trường lưu ý tạo điều kiện cho các em vừa xét tốt nghiệp vừa có cơ sở để xét tuyển đại học.

Cuối cùng tôi quay lại vai trò của người thầy. Thầy cô rất quan trọng. Động lực của thầy cô là nhân tố trong việc thành công trong việc đổi mới.

Khách mời tọa đàm gồm GS. TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT; PGS. TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng Chủ biên SGK Tiếng Việt - Ngữ văn, bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống”. Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường, tác giả SGK Toán THCS, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội. Lê Tuệ Nhi, học sinh lớp 11D3, Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.