Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Mỗi nơi sáng tạo một kiểu?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 13/12, tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023, lãnh đạo các Sở GD&ĐT trong cả nước cho biết hiện có quá nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chương trình. 
Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Mỗi nơi sáng tạo một kiểu? ảnh 1

Thừa thiếu giáo viên là một trong nhiều nguyên nhân gây khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 218

Chia sẻ tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Lê Hoàng Dự cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của địa phương là nguồn tuyển giáo viên dạy hai môn Tin học và Tiếng Anh cho học sinh khối 3.

“Địa phương đang thiếu 258 giáo viên Tiếng Anh và Tin học, do đó đặt quyết tâm cao về việc khẩn trương tuyển dụng giáo viên. Từ đây đến tháng 1/2023, nếu không tuyển được giáo viên sẽ kiểm điểm trách nhiệm cụ thể các cá nhân”, ông Dự nói.

Bên cạnh thiếu giáo viên, Cà Mau cũng đang gặp khó về tài liệu giáo dục địa phương. Theo ông Dự, tháng 8/2022, Cà Mau đã hoàn thành việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. “Đề cương nội dung chi tiết đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nhưng do quy trình thẩm định quá nhiều khâu (từ lấy ý kiến chuyên gia, phòng GD&ĐT, sở ngành, Thường trực UBND tỉnh...) nên đến nay tài liệu chưa đến tay học sinh”, ông Dự than thở.

Tương tự, ông Châu Tuấn Hồng- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng thừa, thiếu giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 do vướng quy định tuyển dụng. “Có nơi chỉ cần tuyển 1 giáo viên nhưng có 10 hồ sơ ứng viên dự tuyển, trong khi nơi khác, nhu cầu tuyển dụng cũng 1 giáo viên nhưng chỉ có 2 hồ sơ ứng tuyển”, ông Hồng nói và đề xuất Bộ GD&ĐT có cơ chế cho phép tuyển dụng theo hội đồng tuyển dụng để tận dụng nguồn tuyển giáo viên, ngoài ra hướng dẫn thêm quy định về mức chi kinh phí cho công tác tuyển dụng.

Với Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài các khó khăn như kể trên, tỉnh này còn vướng cơ chế khi có tiền nhưng không mua sắm được. Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, việc mua sắm trang thiết bị dạy học vướng các yêu cầu về thẩm định giá. Công tác xã hội hóa vướng quy định về đấu thầu, hợp tác công tư đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chương trình GDPT 2018 bắt đầu từ 2019, hoàn thiện vào năm 2025, với tính chất rất lớn, mới, nên sau mỗi năm cần có đánh giá sơ kết.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Mỗi nơi sáng tạo một kiểu? ảnh 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Theo Bộ trưởng Sơn, trong quá trình triển khai chương trình GDPT 2018 vẫn còn tình trạng chưa có sự thống nhất trong hiểu về chương trình, mỗi nơi có những sáng tạo, điểm vướng, khó khăn khác nhau.

Về vấn đề chuyên môn của GDPT 2018, Bộ trưởng cho biết, có 2 nội dung lớn cần chú trọng hơn nữa là các môn dạy tích hợp, tài liệu Giáo dục địa phương.

Trong đó, vấn đề dạy môn tích hợp cần xử lý ngay nhưng phải xác định, đây không phải là việc có thể triển khai một sớm một chiều. Tùy theo điều kiện có thể của từng địa phương để đưa môn tích hợp vào giảng dạy, nếu chưa đủ điều kiện, thì cứ từng bước triển khai.

Bộ trưởng hy vọng rằng, từ nay đến khi tổng kết chương trình, Bộ sẽ nhận được những sự điều chỉnh, sự chủ động điều chỉnh. Bởi vì toàn ngành đang trong quá trình phát triển chương trình GDPT 2018, chứ không phải thụ động thực hiện.

Đối với tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ trưởng cho biết đây là một cụm vấn đề, nên có thể tạm thời tuyển giáo viên theo chuẩn cũ, sẽ chuẩn hóa vào năm 2030.

MỚI - NÓNG