Tạo nên sự khác biệt
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI), người máy đang thay thế con người trong nhiều công việc. Những việc mang tính lặp lại, đơn giản sẽ do người máy đảm nhận. Theo ông, những kỹ năng gì khiến con người khác biệt với AI và không bị thay thế?
Trong một thực nghiệm nhỏ, tôi yêu cầu các sinh viên làm nội dung quảng cáo trà sữa, đồng thời tôi cũng hỏi ChatGPT bản 3.5 câu hỏi đó. Kết quả là ChatGPT thắng.
Ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT |
Nếu đọc cuốn “AI 2041 - 10 viễn cảnh cho tương lai” của Kai-Fu Lee và Chen Qiufan, các bạn có thể hình dung kỹ hơn về thế giới của chúng ta khi chung sống với AI trong thời gian tới. Sự thống trị của AI là một thách thức không thể đảo ngược, chưa từng có trong lịch sử con người, đã và đang tạo ra nhiều xáo trộn trong xã hội. Nhưng tôi tin sự có mặt của nó không hoàn toàn mang nghĩa tiêu cực, mà sẽ mở ra nhiều cơ hội để kiến tạo sản phẩm mới, cách làm việc mới, không gian sáng tạo mới... cho các nhân sự trẻ.
“Tại sao ngay từ bây giờ, các bạn không rèn cho mình tư duy hỏi, tư duy phản biện để trở thành những người xuất sắc trong tương lai?”.
Ông Hoàng Nam Tiến
Để đón đầu làn sóng này và phát triển, các bạn cần trở thành một nhân sự được việc, tách biệt với các phẩm chất, tố chất phù hợp. Để đánh giá một người, tôi dựa vào 5 điều và theo tôi đó là những phẩm chất được ưu tiên của nhân sự trong thời đại công nghệ số. Thứ nhất là tố chất, phần nhiều do trời sinh. Thứ hai là phẩm chất do rèn luyện. Thứ ba là kiến thức do học tập. Thứ tư là năng lực do thử thách. Cuối cùng là kinh nghiệm do thời gian.
Công nghệ AI đang thay đổi môi trường việc làm, thách thức cách làm việc lối mòn. |
Để trở thành một nhân sự được việc, “chắc chân”, không bị AI thay thế trong thị trường lao động ở cả hiện tại và tương lai, bạn phải có năng lực học tập suốt đời. Thời đại “one time learning” đã qua. Kiến thức và xã hội thay đổi quá nhanh, nếu không có năng lực tự học, tự rèn luyện, các bạn trẻ khó tồn tại.
Để trở nên tách biệt so với AI và các nhân sự làm các công việc lặp lại, điều quan trọng là mỗi cá nhân phải rèn luyện tư duy độc lập, năng lực phản biện và lối sống khác biệt. Đó là những ý tưởng khác, suy nghĩ khác, quyết định khác và cách hành động khác cho các tình huống, vấn đề cần giải quyết.
“Tôi từng bỏ ra hơn 3 tỷ đồng xây bể bơi, nước lọc liên tục. Tôi và các sếp khác sẵn sàng ngồi ở những chỗ view xấu, dành những vị trí view đẹp nhất cho nhân viên”.
Ông Hoàng Nam Tiến
Tại FPT Education, ngoài chương trình chính khóa, học sinh, sinh viên học trên cả Coursera (các khoá học trực tuyến đại chúng), tiếp cận giáo trình nổi tiếng thế giới một cách chủ động, tự tìm tòi, tư duy, học mọi lúc, mọi nơi... Chúng tôi triển khai việc học không chỉ dừng ở chiều thầy dạy - người học tiếp thu mà học tập trong 5 chiều linh hoạt trong đó có học cùng AI.
Chìa khóa tăng năng suất lao động
Để không bị AI thay thế trong tương lai, người trẻ phải có năng lực học tập suốt đời. |
Như ông nói, cuộc cách mạng công nghiệp thay đổi quan trọng nhất là năng suất lao động. Vậy, điều gì sẽ quyết định đến năng suất lao động trong thời đại 4.0 (làm việc chăm chỉ, làm việc thông minh, hay như thế nào…), thưa ông?
Nếu chỉ làm việc chăm chỉ, dành nhiều thời gian ở công sở, theo tôi không giải quyết được việc tăng năng suất lao động. Chìa khoá của sự tăng năng suất lao động là công nghệ. Ví dụ trong nghề lập trình, những dòng code có thể do AI tạo ra. Ở FPT, năng suất lao động trung bình của những chuyên gia phần mềm về AI cao gấp 9 lần năng suất lao động trung bình của Việt Nam, gần bằng năng suất lao động trung bình của thế giới, tức là rơi vào khoảng 38.000 - 42.000 USD/người. Việc hợp tác cùng AI và tìm cách tối ưu các công cụ, thành tựu công nghệ vào công việc của bạn sẽ tạo ra năng suất lao động và chất lượng sản phẩm khác biệt.
Sếp nhường view đẹp nhất cho nhân viên
Thế hệ gen Z hiện nay được đánh giá là nhanh nhạy với công nghệ, có cá tính và tư duy độc lập. Song rất nhiều doanh nghiệp đang than phiền về cách làm việc khi có tình trạng “cả thèm chóng chán”, tính kỷ luật thấp và nhảy việc liên tục. Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng, thích nghi với thế hệ mới (và ngược lại) khi gen Z dự báo chiếm khoảng 25% lực lượng lao động cả nước thời gian tới?
Tại tập đoàn FPT, gần 50% số lượng nhân sự hiện nay là genZ. Anh Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT từng đặt ra vấn đề làm thế nào để các bạn genZ có thể hiểu được văn hóa doanh nghiệp của công ty, tôi trả lời rằng chính FPT phải thích ứng với các bạn.
Gen Z hiện nay là một thế hệ khác biệt, sinh ra khác biệt, lớn lên khác biệt, được học tập và phát triển khác biệt, do đó sẽ có những điểm khác biệt mà chúng ta không thể hiểu. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng thế hệ nào cũng có sự khác biệt riêng và để hiểu nhau, chúng ta cần sự tìm hiểu chủ động. Các doanh nghiệp cũng vậy, để sở hữu những gen Z tài năng trong công việc, tận dụng được sức lao động của họ, doanh nghiệp phải thay đổi chính mình. Không chỉ trong chế độ chính sách cho người lao động, những quy định “cứng” trong doanh nghiệp, ngay cả đến những yếu tố như văn phòng đẹp, có quán café chill, có bể bơi… đôi khi cũng phải được tính đến. Ở công ty, tôi từng bỏ ra hơn 3 tỷ đồng xây bể bơi, nước lọc liên tục. Tôi và các sếp khác sẵn sàng ngồi ở những chỗ view xấu, dành những vị trí view đẹp nhất cho nhân viên.
Các bạn gen Z cũng nên nghiêm túc suy nghĩ về việc đổi nghề sau một số năm nào đấy, nếu cảm thấy nhàm chán, thất vọng. Tuy nhiên, cũng cần rất chắc chắn rằng mình đủ năng lực làm việc đó. Muốn vậy, không có cách nào khác là phải học tập liên tục.
Người trẻ phải làm gì để tồn tại
Ông đánh giá thế nào về cơ hội khởi nghiệp của những người trẻ trong giai đoạn hiện nay? Họ cần những kỹ năng, phẩm chất gì để khởi nghiệp thành công chứ không chỉ theo phong trào?
Người trẻ hiện nay có nhiều cơ hội khởi nghiệp. Nhưng khởi nghiệp không phải là công việc dành cho tất cả. Thống kê không đầy đủ có tới hơn 90% các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại sau 5 năm. Mới đây nhất, kỳ lân khởi nghiệp We work vừa chính thức nộp đơn phá sản. Nói một cách phũ phàng thì tham gia vào hoạt động khởi nghiệp sẽ đưa rất nhiều bạn về vị trí... khởi đầu - mất vốn, tài sản, thời gian, chịu áp lực về sức khỏe, tinh thần...
Tuy vậy, các bạn sẽ có rất nhiều thứ khi dấn thân vào khởi nghiệp: Năng lực, mối quan hệ, tư duy, tầm nhìn... và thậm chí cả kinh nghiệm thất bại. Để có thể sống sót và thành công khi khởi nghiệp, các bạn cũng cần những phẩm chất, kỹ năng như tôi đã chia sẻ ở trên.
Gần đây, ông nói bản thân có thể làm 12 -16 tiếng/ngày, xuyên cả cuối tuần và năm này qua năm khác, nhưng ông vẫn xấu hổ trước các bạn trẻ làm 20 tiếng/ngày. Làm việc kiểu này có đảm bảo hạnh phúc trong mái ấm gia đình?
Mỗi người có quan điểm và cách hành động khác nhau về công việc và cuộc sống. Sự khác nhau trong quan điểm là rất bình thường, vì vậy tôi khá ngạc nhiên khi phát ngôn của mình trong một bài TEDTalk từ khá lâu bỗng được khơi lại và gây ra tranh cãi thời gian vừa rồi.
Tôi làm việc hơn 30 năm, đi nhiều nơi trên thế giới, gặp nhiều nhóm khách hàng, rất nhiều nhân sự xuất sắc và chứng kiến cách họ làm việc hiệu quả thế nào. Sự phát triển của công nghệ hiện nay khiến khoảng cách giữa các nhóm lao động ngày càng xa hơn. Nếu muốn phát triển trong môi trường cạnh tranh toàn cầu và ngày càng khốc liệt như vậy, tôi nghĩ phải chăm chỉ hơn nữa, cố gắng hơn nữa.
Tôi không nói rằng thành công hơn trong sự nghiệp luôn song hành với việc hạnh phúc hơn. Tại Việt Nam, làm lãnh đạo rất khó có được chữ cân bằng giữa sự nghiệp và đời sống. Cá nhân tôi có những thời điểm đời sống cá nhân gặp nhiều thử thách, khó khăn. Vì vậy, có được hậu phương vững chắc cho mình là điều rất may mắn cho sự nghiệp của bất kỳ ai
Cảm ơn ông!