Biến sự cô đơn trở thành sức mạnh
“Nghiên cứu khoa học là một hành trình cô đơn nhưng vô cùng thú vị!”, TS. Phạm Huy Hiệu mở màn câu chuyện khi cùng phóng viên đi dạo trong một không gian nghiên cứu mở ở Trường Đại học VinUni.
TS. Phạm Huy Hiệu và sinh viên tham gia trình bày nghiên cứu tại hội nghị IEEE Statistical Signal Processing Workshop tổ chức tại VinUni. |
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2015, TS. Hiệu nhận học bổng tiến sĩ toàn phần của chính phủ Pháp để theo học tại Viện Đại học Toulouse về Khoa học Máy tính. Đặt chân tới vùng đất mới, trong anh chưa hình dung rõ ràng về mục tiêu của nghiên cứu hay sẽ xác định đi sâu vào nghiên cứu để giải quyết bất cứ nhiệm vụ mang tính cao cả nào. “Thời điểm đó, tôi suy nghĩ rất đơn giản, mới tốt nghiệp và chưa biết rõ công việc phù hợp với mình thì đi học tiếp thôi”, anh kể.
Thời điểm vừa tốt nghiệp đại học, anh chấp nhận không có thu nhập để được tham gia vào các nhóm nghiên cứu trong trường để được nhận sự giúp đỡ từ các giáo sư. Được tiếp xúc với những con người say sưa với khoa học đã giúp anh định hình rõ tình yêu và đam mê khoa học. “Không khí trong phòng nghiên cứu thật khác lạ. Những trao đổi khoa học tự do, cởi mở, thẳng thắn dựa trên sự tôn trọng đối với mọi cá nhân là điều tôi vô cùng ấn tượng”, TS. Hiệu nhớ lại.
3 năm làm nghiên cứu sinh tại Pháp, anh Hiệu bắt đầu đặt những “viên gạch” đầu tiên trong hướng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong y tế thông minh và y tế số. Với anh, đó là một sự bắt đầu đầy hứng khởi. “Nhưng có những giai đoạn rất thách thức, nhiều ý tưởng thử nghiệm không có kết quả khiến tôi chịu nhiều áp lực, thậm chí hoài nghi bản thân mình. Khi bạn dành mọi nỗ lực để hoàn thành ý tưởng nhưng không đem lại kết quả, đó là lúc bạn sẽ thấy cô đơn”, anh nói.
Biến sự cô đơn trở thành sức mạnh, theo TS. Phạm Huy Hiệu, chính trong thời điểm khó khăn, nếu biết vượt qua trạng thái ấy, tập trung đi sâu vào giải bài toán của mình và giữ động lực cho những nghiên cứu mới, chắc chắn sẽ khai phóng được năng lực bản thân, dần hòa vào “nhịp chảy” của cộng đồng học thuật thế giới.
Xây dựng cộng đồng khoa học chuyên nghiệp
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ hạng xuất sắc về Khoa học Máy tính năm 2019, TS. Hiệu trở về Việt Nam phụ trách vị trí chuyên gia nghiên cứu và trưởng nhóm nghiên cứu cơ bản tại Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinBigData). Anh hiện là giảng viên tại Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe thông minh, Trường Đại học VinUni.
Lựa chọn trở về nước vốn đã được anh ấn định sẵn từ trước khi bắt đầu đi du học tại Pháp. Anh nhận thấy, các nhà khoa học Việt có thể cống hiến ở bất cứ đâu, dưới nhiều hình thức tùy theo hoàn cảnh của mình và đó là lựa chọn cá nhân. Anh muốn trở về để trực tiếp tham gia vào lực lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam, trực tiếp tìm hiểu các vấn đề cấp thiết, thách thức nhất để kết nối mọi người cùng nhau giải quyết nó.
Anh nhận thấy y tế Việt Nam đang gặp phải những thách thức nghiêm trọng, người dân Việt Nam thường chỉ vào viện khi bệnh trở nặng, việc giám sát các triệu chứng, tình trạng sức khỏe cá nhân còn hạn chế và thụ động. Anh cùng cộng sự đã phát triển dự án nghiên cứu về giải pháp y tế số thông minh “Hệ thống theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh cho người Việt (VAIPE)”, để giám sát hành vi uống thuốc của người dùng và theo dõi các chỉ số sức khỏe cá nhân.
Theo đó, thói quen sử dụng thuốc; theo dõi nhịp tim, huyết áp, chỉ số chiều cao, cân nặng… sẽ được thu thập thông qua điện thoại thông minh và được phân tích nhằm đưa ra các khuyến cáo về việc sử dụng thuốc an toàn, cảnh báo uống nhầm thuốc, uống thuốc ngoài đơn kê và chẩn đoán sớm các bệnh lý. Giải pháp này được tích hợp công nghệ AI và đã huấn luyện trên cơ sở dữ liệu quy mô lớn của người Việt cho phép phân tích dữ liệu tự động và chính xác.
Tháng 7 vừa qua, VAIPE được đánh giá là giải pháp tiên phong giúp định hình xu thế chuyển đổi số y tế tại Việt Nam. Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF) cũng lựa chọn đây là dự án khoa học công nghệ tiêu biểu trong hàng trăm dự án khoa học công nghệ đã tài trợ trong 5 năm vừa qua. Chỉ sau hơn một năm đi vào vận hành, dự án đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật, trong đó có 10 công bố khoa học trên các tạp chí và hội thảo quốc tế uy tín, đạt 3 giải thưởng quốc gia và quốc tế lớn (Giải thưởng AI4VN năm 2022, Giải thưởng Xuất sắc về Bền vững năm 2023 từ ISCN, Bài báo xuất sắc nhất tại hội nghị CCGrid 2023). Giải pháp này khi hoàn thiện kỳ vọng sẽ tạo ra lợi ích thực tế nhằm nâng cao sức khoẻ cộng đồng.
“Những gì chúng tôi đang làm cho thấy các nhà khoa học Việt Nam đang ngày càng trở nên tự tin để định nghĩa những bài toán mới của riêng mình, dùng dữ liệu thực tiễn của Việt Nam để tự giải quyết những vấn đề của Việt Nam”, TS. Hiệu nói.
Trong tương lai, TS. Hiệu mong muốn sẽ đào tạo được các thế hệ sinh viên tài năng, tham gia vào lực lượng dẫn dắt sự phát triển của công nghệ, tạo ra các giải pháp mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Ở một khía cạnh khác, anh muốn chung sức cùng nhiều đồng nghiệp tài năng, tâm huyết, xây dựng một cộng đồng khoa học chuyên nghiệp.
“Tôi kỳ vọng đất nước có nhiều hơn nữa các trung tâm học thuật xuất sắc mà ở đó môi trường khoa học được bảo vệ, tri thức và tài năng được tôn trọng. Đó sẽ là nơi các nhà khoa học có thể phát huy tối đa các nguồn lực nghiên cứu. Các tài năng hàng đầu về khoa học và đổi mới sáng tạo được quyền quyết định con đường phát triển công nghệ và sử dụng kinh phí. Môi trường làm việc cạnh tranh, hấp dẫn, đơn giản hoá thủ tục để giúp cho nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu”, TS. Hiệu nói thêm.
Chẩn đoán, sàng lọc 300 nghìn lượt bệnh nhân mỗi tháng
TS. Phạm Huy Hiệu (Trường Đại học VinUni) có 1 bằng độc quyền sáng chế và 3 giải pháp công nghệ đang nộp đơn bảo hộ. Anh đã công bố 45 bài báo khoa học trên các tạp chí, hội thảo quốc tế uy tín cũng như đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Anh làm chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm 6 dự án nghiên cứu khoa học. Anh tham gia phát triển hệ thống phần mềm trí tuệ nhân tạo phân tích hình ảnh hỗ trợ chẩn đoán và sàng lọc bệnh đã được triển khai trên 40 bệnh viện, xử lý 300 nghìn lượt bệnh nhân mỗi tháng.