Hãng tin Reuters cho biết có tới 120.000 người Armenia ở Karabakh có thể phải rời bỏ nhà cửa vì không muốn ở lại dưới sự kiểm soát của Azerbaijan và lo sợ việc thanh lọc sắc tộc.
“Người dân của chúng tôi không muốn sống như một phần của Azerbaijan. 99,9% muốn rời khỏi vùng đất lịch sử của chúng tôi”, David Babayan, cố vấn của lãnh đạo Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng (còn gọi là Artsakh), nói với Reuters.
Azerbaijan nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ đảm bảo quyền lợi của người gốc Armenia, đồng thời sẽ thống nhất khu vực vốn nằm ngoài tầm kiểm soát của Baku trong nhiều thập kỷ.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết đất nước của ông sẵn sàng tiếp nhận tất cả những người chạy trốn khỏi khu vực tranh chấp. Tổng cộng 377 người đã đến Armenia tính đến tối Chủ nhật (24/9), AP đưa tin, dẫn lời chính quyền Armenia.
Hàng nghìn người Armenia ở Karabakh cũng đã được sơ tán khỏi các ngôi làng địa phương và được đưa đến doanh trại của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. Các lãnh đạo địa phương nói với Reuters rằng tất cả những người mất nhà cửa trong đợt bùng phát xung đột mới nhất và sẵn sàng rời khỏi khu vực ly khai sẽ được lực lượng gìn giữ hòa bình hộ tống đến Armenia.
Bộ Quốc phòng Nga hôm Chủ nhật (24/9) cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình của nước này đã sơ tán tổng cộng 311 thường dân đến Armenia, trong đó có 102 trẻ em. Bộ này cũng cho biết không có đợt giao tranh nào được ghi nhận kể từ ngày 20/9. Lực lượng dân quân địa phương người Armenia tiếp tục giao nộp vũ khí dưới sự kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình. Tổng cộng có 130.000 quả đạn, 1.200 vũ khí nhỏ, vũ khí chống tăng và hệ thống phòng không di động đã được bàn giao tính đến Chủ nhật.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng gìn giữ hòa bình nước này cũng đã chuyển 125 tấn lương thực và 65 tấn nhiên liệu tới khu vực tranh chấp.
Căng thẳng ở Nagorno-Karabakh leo thang hôm 19/9 khi Azerbaijan tuyên bố tiến hành “các biện pháp chống khủng bố” nhằm vào khu vực trên, cáo buộc Armenia tập hợp lực lượng ở vùng ly khai. Armenia phủ nhận thông tin này, đồng thời cáo buộc Azerbaijan bắt đầu “một cuộc tấn công quy mô lớn khác nhằm vào người dân Nagorno-Karabakh”.
Quân đội Azerbaijan sau đó tiến về nhiều hướng, chọc thủng các vị trí của lực lượng địa phương. Hôm 20/9, chính quyền Nagorno-Karabakh tuyên bố ngừng bắn với Azerbaijan, theo đề xuất của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.
Mátxcơva lưu ý rằng Chính phủ Armenia đã tuyên bố công nhận chủ quyền của Azerbaijan đối với Nagorno-Karabakh. Điều này khiến chiến dịch quân sự trở thành một vấn đề nội bộ của Azerbaijan, Điện Kremlin tuyên bố.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong khi đó nhấn mạnh rằng sự an toàn của người gốc Armenia trong khu vực Nagorno-Karabakh hiện là trách nhiệm của Nga.