Vừa qua, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang Châu Văn Ly (Ủy viên Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh) chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện, tiến độ giải ngân vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong 8 tháng của năm; triển khai nhiệm vụ, giải pháp các tháng cuối năm 2023.
<="" td=""> |
An Giang triển khai mô hình sinh kế dựa vào mùa lũ, giúp người dân giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ảnh: Trọng Thuỷ |
Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025).
UBND tỉnh An Giang ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Sở, ban, ngành tỉnh, cơ quan, đơn vị và UBND cấp huyện tăng cường lãnh, chỉ đạo thực hiện các chương trình, chủ động triển khai kế hoạch do ngành, đơn vị, địa phương phụ trách.
Tỉnh ban hành nhiều văn bản đẩy nhanh triển khai chương trình; phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch vốn giao, xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Đã giao kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, tổng kinh phí hơn 269 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương gần 245 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển hơn 115 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 130 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương hơn 24,4 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 11,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 13 tỷ đồng). Kinh phí năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 là 121,3 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 111,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 9,8 tỷ đồng…). Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, đã giải ngân hơn 72,3 tỷ đồng, tỷ lệ 33,3% kế hoạch vốn. Về nguồn vốn sự nghiệp, đã giải ngân hơn 25,2 tỷ đồng, đạt 14,5%...
Trong khoảng thời gian này, chủ yếu chuẩn bị, rà soát danh sách hộ được hỗ trợ, bố trí vốn, lập kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện. Các huyện, thị xã, thành phố còn gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn, xây dựng và phê duyệt dự án theo quy định mới, dẫn đến chậm tiến độ. Quy định về điều kiện hỗ trợ dự án phát triển sản xuất cộng đồng “phải có thành viên làm kinh tế giỏi tham gia tổ, nhóm cộng đồng”cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng và phê duyệt dự án…
Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo ở An Giang. Ảnh: Báo An Giang |
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nội dung nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Theo các địa phương, nguyên nhân tiến độ giải ngân chậm do văn bản hướng dẫn cụ thể (về tiêu chuẩn nhà ở sau khi được hỗ trợ xây mới, sửa chữa; việc bố trí vốn…) được ban hành từ giữa năm 2022 đến đầu năm 2023.
Ông Châu Văn Ly yêu cầu sở, ban, ngành liên quan và UBND địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình; phấn đấu giải ngân trên 95% số vốn được giao trong năm 2023, kể cả nguồn vốn năm 2022 chuyển sang. Nhất là, đối với tiểu dự án 2 (thuộc dự án 4, hỗ trợ người lao động vùng nghèo, khó khăn đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài) đã được cấp kinh phí thực hiện từ năm 2022 đến nay (hơn 1 tỷ đồng).
Tăng cường theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ thực hiện. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương tích cực, chủ động hơn nữa trong thực hiện chương trình, nhất là trong triển khai dự án; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh An Giang về kết quả giải ngân vốn thực hiện chương trình, nếu để chậm tiến độ…