Cần Thơ xin trả lại hơn 400 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Qua rà soát tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 được phân bổ, UBND thành phố Cần Thơ đề xuất Bộ KH&ĐT xem xét, trình cấp thẩm quyền điều chuyển hơn 401 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 (vốn nước ngoài) sang bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu.

UBND thành phố Cần Thơ cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao là 7.875 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) hơn 5.144 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương (NSTƯ) hơn 2.730 tỷ đồng.

Đến nay, thành phố Cần Thơ đã thực hiện 6 lần điều chỉnh, giao chi tiết với tổng số vốn đã giao hơn 8.535 tỷ đồng (tăng so với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ các nguồn vốn kết dư NSĐP), gồm: NSĐP hơn 6.323 tỷ đồng và NSTƯ hơn 2.212 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa giao chi tiết là hơn 517 tỷ đồng thuộc nguồn vốn NSTƯ.

Tính đến ngày 31/7/2023, giá trị giải ngân là 3.582 tỷ đồng, đạt gần 42% kế hoạch được giao. Với mục tiêu giải ngân cả năm 2023 đạt tỷ lệ trên 95%, trong 5 tháng cuối năm, thành phố phải thực hiện giải ngân trên 4.530 tỷ đồng nên phải rất nỗ lực, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện.

Cần Thơ xin trả lại hơn 400 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương ảnh 1

Dự án Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ (quy mô 500 giường). Ảnh: CK

Qua rà soát tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 được phân bổ, UBND thành phố Cần Thơ đề xuất Bộ KH&ĐT xem xét, trình cấp thẩm quyền điều chuyển hơn 401 tỷ đồng kế hoạch vốn NSTƯ năm 2023 (vốn nước ngoài) sang bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu. Cụ thể:

Thành phố đề nghị cắt giảm 42 tỷ đồng của dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Nguyên nhân do dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, công tác di dời các công trình... mất nhiều thời gian do thủ tục phức tạp, bị động theo kế hoạch thực hiện của các đơn vị quản lý và các vấn đề điều chỉnh, phát sinh bổ sung của các gói thầu mất nhiều thời gian.

Đề nghị cắt giảm hơn 359 tỷ đồng dự kiến bố trí năm 2023 cho dự án Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ (quy mô 500 giường). Nguyên nhân do thời gian hiệu lực của Hiệp định vay vốn của dự án đã hết, thủ tục gia hạn chưa thể hoàn thành và không thể giải ngân vốn ODA dự kiến bố trí cho dự án trong năm 2023.

Ngoài ra, đối với hơn 125 tỷ đồng vốn ODA năm 2023 của dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu, UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận phương án kéo dài thời gian rót vốn đến ngày 31/12/2023 và thời hạn giải trình vốn ngày 31/3/2024, để chủ dự án thực hiện giải ngân theo quy định.

Theo UBND thành phố Cần Thơ, một số dự án trọng điểm của thành phố được tập trung bố trí nguồn vốn lớn như dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án Đường vành đai phía Tây...

Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân hết kế hoạch vốn được giao của các dự án này sẽ tác động rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của toàn thành phố và mục tiêu giải ngân năm 2023 đạt tỷ lệ trên 95% là khả thi.

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư công năm 2024 của thành phố Cần Thơ là 10.225 tỷ đồng (NSTƯ 2.934 tỷ đồng; NSĐP 7.291 tỷ đồng). Về khả năng cân đối, dự kiến tổng kế hoạch vốn năm 2024 là 9.220 tỷ đồng (đạt hơn 90% nhu cầu), gồm NSTƯ 2.934 tỷ đồng và NSĐP 6.286 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.