Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Vẫn còn nhiều bất ổn

TP - Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 với 15 môn thi (gồm cả 7 môn ngoại ngữ), với hơn 1 triệu thí sinh dự thi, Bộ GD&ĐT đánh giá kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra trong hai ngày thi, dư luận nhận thấy, kỳ thi vẫn còn nhiều bất ổn.

Hôm qua, báo cáo nhanh tại buổi họp báo kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết sau 4 buổi thi, cả nước có 41 thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi. Trong đó, có tới 40 thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại vào phòng thi với mục đích gian lận thi cử. Nghiêm trọng hơn, trong số này có 2 thí sinh đã sử dụng điện thoại để chụp ảnh đề thi gửi ra ngoài nhờ người giải, cụ thể là 1 thí sinh ở Cao Bằng vi phạm trong buổi thi môn Ngữ văn và 1 thí sinh ở Yên Bái vi phạm trong buổi thi môn Toán. Điều may mắn là hành vi vi phạm quy chế này chưa ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ngoài ra, có 1 thí sinh tại Vĩnh Phúc đã phát hiện và báo giám thị về 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Vẫn còn nhiều bất ổn ảnh 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Mạnh Thắng

Còn tại điểm thi Trường THCS Yên Hòa, Hà Nội, đã đánh trống kết thúc giờ thi sớm 5 phút ở buổi thi bài thi tổ hợp so với quy định dẫn đến việc thí sinh của điểm thi này phải làm bài thi bù giờ ở môn thi cuối.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng có sự phân hóa phù hợp đạt mục đích làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh.

“Đối với đề thi môn Ngữ văn, phần đọc hiểu, Ban đề thi đã lựa chọn ngữ liệu không có trong SGK mà gắn với các vấn đề thời sự, xã hội hoặc có tính chất giáo dục”. GS Nguyễn Ngọc Hà

Tại cuộc họp báo, nhiều cơ quan truyền thông cũng đặc biệt quan tâm đến đề thi năm nay. Trong đó, đối với đề thi môn Ngữ văn, ở phần đọc hiểu, ngữ liệu và câu lệnh na ná đề thi tuyển sinh lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội. Ở phần làm văn, câu hỏi nghị luận văn học có dữ liệu trùng hoàn toàn với đề thi thử tốt nghiệp THPT năm 2023 của Sở GD&ĐT Nghệ An, chỉ khác câu lệnh hỏi. Không những thế, đề thi vẫn ra theo lối mòn, không có đổi mới, sáng tạo, đi ngược lại chỉ đạo của Bộ tại văn bản 3175 ban hành năm 2022 hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông.

Đối với các môn còn lại, ghi nhận từ ý kiến của không ít giáo viên bộ môn từ phổ thông tới đại học, nhiều phóng viên tại cuộc họp báo khẳng định đề thi giữa phần nhận biết, thông hiểu và phần vận dụng, vận dụng cao có sự “phanh gấp”, không có câu hỏi đệm cho hai phần dẫn đến tình trạng câu hỏi dễ hoặc quá khó, nhất là môn Toán.

Hoàn thiện Quy trình ra đề thi

Rất nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến xử lý sự cố lọt đề thi, sự trùng lặp ngữ liệu trong đề thi ngữ văn hay quy trình làm đề… được đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ Công an trả lời.

Đầu tiên, PGS TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng- Bộ GD&ĐT khẳng định, 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi ra ngoài cho người thân nhờ giải đề thi là trường hợp cá biệt vi phạm quy chế thi.

Hai thí sinh vi phạm quy chế đã bị đình chỉ ở buổi thi hôm sau, đồng thời các cán bộ coi thi liên quan cũng bị tạm dừng nhiệm vụ.

Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Ông Chương cũng cho biết, hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi.

Với thực trạng đề thi mỗi năm có độ khó, dễ khác nhau, đặc biệt năm nay sự phân hóa sâu, khiến thí sinh khó khăn lấy điểm 10, GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Trưởng Ban đề thi cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, đề thi năm nay giữ nguyên cấu trúc như năm ngoái, không ra phần giảm tải. Tổ ra đề thi thực hiện theo nguyên tắc bảo mật, công bằng, phân hóa được thí sinh.

Đội ngũ thầy cô ra đề là những người có chuyên môn giỏi từ trường THPT các vùng miền, trường ĐH nhưng khi vào “trại đề” vẫn phải tập huấn lại 4 cấp độ (từ mức độ 1 đến mức độ 4) gồm: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Trong đó 50% câu hỏi mức độ 1, 25% mức độ 2 và 25% cho mức độ 3, 4 để phân hóa học sinh.

Về mặt quy trình, theo GS Hà: “Chúng tôi rút kinh nghiệm từ quy trình cũ đã xảy ra vụ việc đề thi môn Sinh học năm 2021 nên ngân hàng đề thi được xây dựng theo hướng mới, người lựa chọn câu hỏi và xây dựng câu hỏi khác nhau”.

Ngoài ra, ông cũng phủ nhận đề Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT trùng lắp với đề thi thử của Nghệ An và Hà Nội bởi vì lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau. Vấn đề khó khăn là chương trình hiện hành chỉ có 15 tác phẩm có thể ra đề, hằng năm các địa phương đều tổ chức thi thử nhiều đợt nên sử dụng ngữ liệu trùng lặp là khó tránh khỏi. Vấn đề này sẽ được khắc phục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Đại diện Ban đề thi thông tin thêm, năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Công an đưa vào quy trình kiểm soát trùng lặp nội dung câu hỏi bằng phần mềm công nghệ thông tin cho cả 15 môn thi. Điều này hạn chế được rất nhiều sự trùng lặp với đề thi thử của 63 tỉnh/TP trên toàn quốc.

Trả lời về việc xử lý thí sinh làm lọt đề thi, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng cục A03, Bộ Công an chia sẻ, ngay trong kỳ thi 2 thí sinh gửi ra bên ngoài đã được nhanh chóng xác minh và đã xác minh được người nhận đề bên ngoài. Hiện tại có thể khẳng định lời giải không chuyển vào được phòng thi và không ảnh hưởng đến kỳ thi.

Ông cũng dự báo thời gian tới, sử dụng thiết bị công nghệ cao chắc chắn sẽ tiếp tục. Còn về việc xử lý hai thí sinh có hành vi gửi ảnh đề thi ra ngoài, ông Chung cho hay sẽ căn cứ vào kết quả xác minh, đánh giá mức độ xảy ra, xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đặc biệt mức độ hành vi có đến mức xử lý hình sự không hay chỉ xử phạt hành chính. “Phải xem xét đánh giá trước khi xử lý, cần có đánh giá nhân văn trong vấn đề này. Cơ quan công an tiếp tục thẩm tra xác minh, kết quả sẽ được thông báo đến cơ quan báo chí”, Thiếu tướng Trần Đình Chung nói.

Kết luật buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá kỳ thi tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế. Bộ GD&ĐT sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến nhận xét liên quan đến đề thi, tổ chức kỳ thi để tiếp tục hoàn thiện kỳ thi các năm tiếp theo.

Chưa giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho địa phương

Liên quan đến câu hỏi, “Bộ GD&ĐT có phải đang “ôm” kỳ thi tốt nghiệp THPT? Đến khi nào trả về cho địa phương?”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, về thời điểm phân cấp kỳ thi tốt nghiệp THPT, hiện Bộ chưa tính tới.

Kỳ thi hiện đang thực hiện theo phương thức 3 chung: chung đề, chung đợt, chung kết quả với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học (tỷ lệ 60%). Tính chất kỳ thi như vậy, nếu giao về các tỉnh sẽ khó đảm bảo sự công bằng khi địa phương ra đề khó – dễ; khó đánh giá được năng lực thí sinh và đảm bảo công bằng trong xét tuyển đại học. Ngoài ra, còn cần tính toán tới vấn đề về kinh tế, xã hội. Cùng với đó, hiện kỳ thi cũng đã có sự phân cấp về địa phương rất cao, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát.

“Không nên bàn việc Bộ có muốn “ôm” kỳ thi không vì có muốn ôm mà chỉ đạo của trên, của Chính phủ không như vậy thì cũng chịu”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

MỚI - NÓNG