Tồn ngân quỹ 1 triệu tỷ: Ai cũng xót xa, nhưng không thể nóng vội, cực đoan

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Ngân quỹ tồn số tiền lớn, ai cũng xót xa, nhưng nếu đưa tiền ra mà làm thất thoát, lãng phí lớn hơn thì còn xót xa hơn. Cho nên không thể nóng vội mà đưa ra những giải pháp cực đoan".

Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách trao đổi với phóng viên về số tiền 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ tồn đang phải gửi ngân hàng.

Trong khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, rất cần vốn đầu tư, chúng ta lại đối mặt với tình cảnh “có tiền không tiêu được”, 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ tồn, phải gửi ngân hàng, ông thấy sao?

Tình trạng “có tiền không tiêu được” là thực tế đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì đầu tư công. Chúng ta thấy giai đoạn năm 2021 – 2022, khi quyết toán và báo cáo thì số chuyển nguồn lên tới 700.000 -800.000 tỷ đồng, chưa đưa vào nền kinh tế. Cộng với các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản chậm giải ngân. Vốn có, tiền có nhưng không phân bổ được, phân bổ rồi lại không giải ngân được.

Tồn ngân quỹ 1 triệu tỷ: Ai cũng xót xa, nhưng không thể nóng vội, cực đoan ảnh 1

Đại biểu Trần Văn Lâm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách

Việc có tiền không tiêu được, chính sách hiện nay không có gì vướng. Có chăng, vướng hiện ở chỗ hơn 200.000 tỷ đồng dành cho cải cách tiền lương, nhưng do chưa cải cách tiền lương nên phải chuyển từ năm nọ sang năm kia, tức nguồn tồn dư mang tính chất chính sách. Phần còn lại đều do quá trình thực thi dẫn tới thực trạng tiền chậm đưa vào nền kinh tế, làm hạn chế tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội.

Ngân quỹ tồn 1 triệu tỷ như vậy, ông thấy xót xa không, làm thế nào để phá được “cục máu đông” này?

Xót xa thì đương nhiên ai cũng xót xa khi ngân quỹ tồn số tiền lớn. 1 triệu tỷ chậm đưa vào thì chậm phát huy nguồn lực, trong khi chúng ta vẫn phải đi vay, chịu lãi vay hơn 3 triệu tỷ đồng. Mỗi năm bội chi làm chúng ta cũng phải vay 200.000 - 300.000 tỷ đồng, trong khi tiền có trong két mà không tiêu được. Đấy là sự lãng phí.

Thế nhưng không phải cứ muốn đẩy nhanh nguồn tiền lưu thông bằng mọi giá, mà đưa ra phải sử dụng hiệu quả. Nếu đưa tiền ra mà làm thất thoát, lãng phí lớn hơn thì còn xót xa hơn. Cho nên không thể nóng vội mà đưa ra những giải pháp cực đoan.

Trong chi tiêu ngân sách cũng cần thận trọng, tuân thủ luật, quy trình thủ tục chứ không thể cắt giảm hết quy trình thủ tục, lại nảy sinh thất thoát, tiêu cực, lãng phí và hệ quả còn lâu dài hơn.

Để tháo gỡ rào cản vướng mắc, Bộ trưởng Tài chính cũng cho rằng, cần sớm dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư công?

Rõ ràng, phải đơn giản hoá thủ tục, quy trình để rút ngắn thời gian từng bước chuẩn bị hồ sơ, chuẩn bị dự án đầu tư, thanh quyết toán… Mỗi bước rút một chút thủ tục thì thời gian sẽ được đẩy nhanh lên, đơn giản đi. Quốc hội đã có nhiều cố gắng theo hướng này. Các luật đang sửa như Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Đất đai…đều hướng tới việc tăng cường quản lý nhưng đơn giản hoá, giảm bớt thủ tục rườm rà không cần thiết.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang cho thí điểm nhiều cơ chế đặc thù một số địa phương, có khả năng nghiên cứu để hoàn thiện chính sách, luật pháp. Như vừa rồi cho triển khai một số công trình trọng điểm quốc gia, như chỉ định thầu, và tới đây sẽ đánh giá lại, xem chính sách nào hiệu quả thì luật hoá, sửa luật. Sốt ruột nhưng chúng ta cũng phải làm từng bước chặt chẽ, hiệu quả.

Nói về đầu tư công, thực tế có địa phương giải ngân rất tốt, nhưng có nơi như “đầu tàu” TP. HCM lại rất chậm. Vấn đề ở đây là gì, thưa ông?

Chúng tôi đã kiểm điểm đánh giá cả khách quan và chủ quan. Tất nhiên ai cũng muốn nhấn mạnh yếu tố chủ quan, trách nhiệm các cơ quan chức năng trong chuẩn bị vốn đầu tư, thanh quyết toán bàn giao nghiệm thu công trình… Điều này thuộc về năng lực quản lý, năng lực triển khai của người có trách nhiệm trong từng khâu.

Nhưng ở đây cũng có yếu tố khách quan, mỗi địa phương có tính chất đặc thù khác nhau. Ví dụ, địa phương không có tính chất phức tạp, đền bù đơn giản thì triển khai rất nhanh. Nhưng có địa phương “tấc đất, tấc vàng”, đền bù chỉ sai một ly đã khiếu kiện thì quá trình làm phức tạp, khó khăn hơn. Thế nên khó có thể so sánh sự phức tạp giữa TP HCM, Hà Nội với một số tỉnh như Sơn La, Điện Biên.

Số tiền tồn đọng lớn như vậy nói lên điều gì, theo ông?

Tồn quỹ là đương nhiên, ngân sách trống rỗng hết cả thì gay. Quốc gia cũng như mỗi gia đình, cá nhân, dù vẫn phải đi vay nhưng trong ví vẫn phải có tiền, nhưng có mức nào là hợp lý, tiền đồng ra đồng vào, sử dụng hiệu quả mới là căn cốt.

Hơn triệu tỷ là khoản tiền lớn, đang dư ở một số lĩnh vực như đầu tư công, cải cách tiền lương, đầu tư xây dựng cơ bản và một số khoản chi mang tính chất thường xuyên. Có những nhiệm vụ chi vào cuối năm thì buộc phải chuyển nguồn sang sang năm để đảm bảo tính liên tục - ở khía cạnh nào đó việc chuyển nguồn là tốt để tránh bị cắt khúc trong các khoản chi thường xuyên.

Tuy nhiên, tồn đọng nhiều cho thấy kém hiệu quả trong sử dụng đồng tiền. Ví dụ, đầu tư công giải ngân được hết, càng sớm càng hiệu quả. Nguồn cải cách tiền lương nếu được sử dụng tốt hơn thì sẽ hiệu quả.

Thực tế, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quản lý nợ công, phát hành trái phiếu Chính phủ tốt hơn. Kế hoạch Quốc hội cho phép bội chi 4% và năm 2022 là 4,2-4,3% GDP, nhưng thực tế thực hiện chỉ hơn 3,2% GDP.

Nguyên nhân, chúng ta tăng thu bù cho phần đi vay, tăng thu năm 2022 vượt hơn 400.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Tài chính trong phát hành trái phiếu Chính phủ đã có cân nhắc, tính toán, tức là cần dùng tới thì mới đi vay. Điều này giúp chúng ta tiết kiệm chi phí lãi vay, là yếu tố làm giảm tiền vay.

Nhưng cũng có yếu tố cần phải thấy, là giảm bội chi, vay ít đi còn do đầu tư xây dựng cơ bản không giải ngân được. Khi không giải ngân được đầu tư thì Bộ Tài chính không đi vay, vì vay về không giải ngân được. Do đó việc bội chi ngân sách giảm một phần do chúng ta không giải ngân được dự án đầu tư, một số khoản chi theo kế hoạch không chi được và hệ quả là nền kinh tế mất đi động lực trong giai đoạn sau.

Trước thực trạng đó, Quốc hội có cần một nghị quyết để giải quyết vấn đề cấp bách trong giải ngân đầu tư công?

Thực tế Nghị quyết của Quốc hội tại các kỳ họp đã nhiều lần đề cập chủ trương, giải pháp để đẩy nhanh quá trình giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả. Ví dụ thí điểm tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án chung và thí điểm tại TP HCM.

Hay với một số dự án giao thông trọng điểm cho giải phóng mặt bằng không căn cứ vào dự án hiện tại, tức là cho giải phóng cả khu quy hoạch rồi mới đấu thầu sử dụng đất. Đây là cách làm khác luật nên chúng ta cần thí điểm, làm từng bước rồi tổng kết, đánh giá.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
TPO - Hoàn thành từ năm 2017 nhưng dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, với nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai đầu tư dự án cải tạo, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.