“Tôi sẽ nắm lấy cơ hội và đề nghị rằng các hoạt động quân sự ở Ukraine nên dừng lại mà các bên không có quyền di chuyển và tập hợp lại lực lượng, không di chuyển vũ khí, đạn dược và thiết bị”, ông Lukashenko nói trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang trước người dân và Quốc hội Belarus ngày 31/3.
Nhà lãnh đạo Belarus nói thêm rằng “nếu phương Tây cố gắng một lần nữa tận dụng thời gian ngừng bắn để tìm cách củng cố vị thế của mình, thì Nga cần khai thác toàn bộ năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng và quân đội để ngăn chặn xung đột leo thang.”
Được hỏi về đề xuất của Tổng thống Belarus Lukashenko, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết: “Tất nhiên chúng tôi đã nghe tuyên bố của ông Lukashenko. Hai Tổng thống – Putin và Lukashenko chắc chắn sẽ tiếp tục thảo luận vào tuần tới. Sẽ có một cuộc họp của Hội đồng Nhà nước Tối cao của Nhà nước Liên minh Nga – Belarus. Sự kiện này sẽ tạo cơ hội để hai lãnh đạo trò chuyện lâu dài với nhau. Chắc chắn họ cũng sẽ thảo luận về chủ đề này.”
Người phát ngôn đồng thời nhấn mạnh: “Tuy nhiên, không có gì thay đổi trong vấn đề Ukraine. Chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn đang tiếp tục, bởi đó là cách duy nhất để đạt được các mục tiêu của chúng tôi hiện tại.”
Nói thêm về cuộc xung đột ở nước láng giềng, ông Lukashenko cho biết thế giới sẽ quên Ukraine nếu xung đột nổ ra ở một nơi khác trên hành tinh.
"Nếu bất kỳ cuộc xung đột nào, dù là nhỏ nhất, nổ ra vào ngày mai ở bất kỳ nơi nào trên hành tinh, thì Ukraine sẽ bị lãng quên. Không ai mang vũ khí đến cho họ. Và sau đó thì sao? Ngay cả khi không bị đánh bại, họ cũng sẽ không thể tự mình khôi phục đất nước", ông nói.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Tass |
Về việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus
Tổng thống Lukashenko cho biết trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang rằng những diễn biến địa - chính trị mới nhất đã thúc đẩy Minsk tăng cường đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus.
“Dựa trên những gì đang diễn ra và tình hình chính trị - quân sự quanh Belarus, tôi đã bắt đầu thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc đưa vũ khí hạt nhân trở lại Belarus”, ông Lukashenko nói, đề cập đến số vũ khí hạt nhân mà Minsk đã chuyển giao cho Mátxcơva vào những năm 1990.
Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, vũ khí hạt nhân đã được triển khai ở 4 quốc gia mới độc lập là Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan. Vào tháng 5/1992, bốn quốc gia đã đồng ý rằng tất cả vũ khí phải được đặt tại Nga và việc chuyển giao đầu đạn từ Ukraine, Belarus và Kazakhstan đã hoàn thành vào năm 1996.
Về mối quan hệ với phương Tây
Theo ông Lukashenko, các nước phương Tây không quan tâm đến một nước Nga hay Belarus có chủ quyền và độc lập về kinh tế.
“Không ai ở phương Tây cần một Belarus có chủ quyền, hay một nước Nga có chủ quyền và nền kinh tế vững mạnh”, ông Lukashenko nói.
“Nếu Nga và Belarus muốn có chủ quyền và độc lập thì không nên để đầu óc trên mây. Chúng ta nên làm việc của mình. Điều kiện thứ hai của chủ quyền và độc lập là ký ức lịch sử và truyền thống dân tộc.”