Nước láng giềng của Nga rộng đường gia nhập NATO

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thông qua đề nghị gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan, xóa bỏ rào cản cuối cùng để quốc gia Bắc Âu này trở thành thành viên chính thức của khối quân sự do Mỹ đứng đầu.

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 30/3, tất cả 276 nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ có mặt đã bỏ phiếu ủng hộ việc phê chuẩn đơn gia nhập của Phần Lan. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên cuối cùng trong số 30 thành viên hiện có của NATO tán thành nguyện vọng của Helsinki, sau khi Hungary chính thức “bật đèn xanh” cho Phần Lan vào đầu tuần này.

Phần Lan chuẩn bị chính thức gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh của khối ở Lithuania vào tháng 7.

Đầu tháng này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara không còn phản đối tư cách thành viên của Phần Lan vì Helsinki đã thực hiện "các bước xác thực và cụ thể" để thực hiện lời hứa của mình, bao gồm cả việc càn quét các nhóm mà Ankara coi là "khủng bố".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, nói thêm rằng nó sẽ “làm cho toàn bộ gia đình NATO mạnh mẽ hơn và an toàn hơn”. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cũng cám ơn các thành viên của khối vì “sự tin tưởng và hỗ trợ”.

“Phần Lan hiện đã sẵn sàng gia nhập NATO. Chúng tôi mong được chào đón Thụy Điển tham gia cùng chúng tôi càng sớm càng tốt,” ông nói thêm.

Nước láng giềng của Nga rộng đường gia nhập NATO ảnh 1

Phần Lan giáp Nga. Đồ họa: BBC

Mặc dù trong những tuần gần đây Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi lập trường về việc Phần Lan gia nhập liên minh xuyên Đại Tây Dương, nhưng điều tương tự vẫn chưa xảy ra với Thụy Điển. Ankara cáo buộc Stockholm chứa chấp “những kẻ khủng bố” và không thực hiện những lời hứa của mình.

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển thậm chí còn trở nên căng thẳng hơn sau cuộc biểu tình đốt kinh Koran ở Stockholm vào tháng 1.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển còn vấp phải sự phản đối của Hungary. Đầu tháng này, Budapest cáo buộc Stockholm lan truyền “những lời dối trá” về Hungary.

Cả Phần Lan và Thụy Điển đều đã từ bỏ lập trường trung lập kéo dài nhiều thập kỷ và nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, viện dẫn những thay đổi về môi trường an ninh sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Đầu tháng này, Thư ký Báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Mátxcơva “lấy làm tiếc” về việc hai quốc gia Bắc Âu nộp đơn xin gia nhập khối. Ông nói thêm rằng Nga “không đặt ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với các quốc gia này, vì Nga không có bất kỳ tranh chấp nào với họ”.

Theo RT
MỚI - NÓNG