Quốc hội Thụy Điển bỏ phiếu đồng ý gia nhập NATO

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quốc hội Thụy Điển ngày 22/3 đã bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với 269 phiếu thuận, 37 phiếu chống và 43 phiếu trắng. Cuộc bỏ phiếu diễn ra gần một năm sau khi nước này nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom gọi việc Quốc hội nước này bỏ phiếu đồng ý gia nhập NATO là “quyết định lịch sử”. “Thụy Điển sẽ an toàn hơn, và chúng tôi cũng sẽ đóng góp về an ninh cho liên minh”, ông viết trên Twitter.

Cuộc bỏ phiếu trên thực tế chỉ là hình thức, vì chính phủ Thụy Điển đã quyết định sẽ gia nhập NATO vào tháng 5/2022 và NATO đã phê duyệt Nghị định thư gia nhập vào tháng 7 năm đó.

Tuy nhiên để Thụy Điển có thể trở thành thành viên NATO, tất cả các quốc gia khác trong khối đều phải chấp thuận. Đây là một trở ngại lớn cho Stockholm vì Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn chưa đồng ý “bật đèn xanh”. Ngoại trưởng Billstrom lập luận rằng sự từ chối của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến mọi người đặt câu hỏi về chính sách mở cửa của NATO.

Trong khi Thụy Điển gặp khó khăn trong việc thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ, thì Phần Lan – quốc gia cùng nộp đơn xin gia nhập NATO – mới đây đã được Ankara chấp thuận.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 17/3 cho biết quốc hội nước này sẽ phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan.

Phát biểu trước các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto ở Ankara, ông Erdogan nói: "Chúng tôi đã quyết định bắt đầu quá trình phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan tại quốc hội. Khi nói đến việc thực hiện các cam kết của mình trong biên bản ghi nhớ ba bên, chúng tôi thấy rằng Phần Lan đã có những bước xác thực và cụ thể.”

Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố sẽ không đồng ý để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, trừ khi hai nước này dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Ankara, dẫn độ những phần tử mà Ankara coi là khủng bố…

Phần Lan và Thụy Điển đã đồng ý với những yêu cầu này trong một bản ghi nhớ ba bên được ký vào tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, Ankara cáo buộc Stockholm không giữ lời hứa. Chính quyền Thụy Điển phủ nhận thông tin này. Ngoài ra, việc Thụy Điển không ngăn chặn một cuộc biểu tình đốt kinh Koran (của đạo Hồi) mới đây càng làm gia tăng căng thẳng, vì Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo.

Cơ hội gia nhập NATO của Thụy Điển, theo ông Erdogan, “sẽ gắn liền trực tiếp với các bước cụ thể mà Thụy Điển thực hiện cuộc chiến chống khủng bố”.

Mặc dù Thụy Điển và Phần Lan ban đầu nói rằng sẽ “tay trong tay” gia nhập NATO, nhưng cả hai quốc gia sau đó đều phải thừa nhận rằng họ có thể sẽ gia nhập riêng rẽ.

Gần như tất cả các thành viên NATO hiện tại ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đều đã phê chuẩn đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nói rằng ông ủng hộ cả hai quốc gia tham gia liên minh, nhưng cũng cáo buộc các chính trị gia ở Stockholm và Helsinki "lan truyền những lời dối trá trắng trợn" về chính phủ bảo thủ của ông.

Theo RT
MỚI - NÓNG