Sản xuất xanh – Xu hướng và giải pháp phát triển

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang được xem là vấn đề cấp bách của thế giới, xu hướng sản xuất chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” đã và đang trở thành xu thế toàn cầu. 

Xanh hóa sản xuất góp phần hướng tới tăng trưởng bền vững và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt vẫn còn gặp nhiều rào cản trong việc chuyển đổi và phát triển sản xuất xanh. Vậy những khó khăn thách thức đang tạo lực cản cho các doanh nghiệp là gì? Và làm thế nào để tháo gỡ các nút thắt đó? Những phân tích, chia sẻ của TS . Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.

PV: Trước tiên xin cảm ơn TS. Hoàng Dương Tùng đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thưa ông, xin ông có thể chia sẻ một số lợi ích của việc chuyển đổi sản xuất xanh, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, thưa ông?

TS. Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường:

Lợi ích đầu tiên các doanh nghiệp có thể nhận được khi phát triển sản xuất xanh đó là giảm thiểu chi phí như chi phí mua và vận chuyển các nguyên liệu đầu vào, chi phí lao động, chi phí sử dụng nước và năng lượng trong quá trình sản xuất, chi phí xử lý hoặc giải quyết hậu quả của chất thải và các tác động môi trường khác. Ngoài ra, sản xuất xanh góp phần tăng năng suất và hiệu quả lao động nhờ cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động và sức khoẻ của người lao động.

Sản xuất xanh – Xu hướng và giải pháp phát triển ảnh 1

Bên cạnh đó, sản xuất xanh giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay đã dần chuyển dịch sang những sản phẩm thân thiện với môi trường nên sản xuất xanh là một trong những yếu tố lợi thế giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu, thu hút người tiêu dùng. Đồng thời, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới và tham gia vào các hiệp định như CPTPP, EVFTA,… bởi những hiệp định thương mại này đều có những quy định khắt khe về tiêu chí môi trường. Nếu chúng ta thực hiện tốt sản xuất xanh thì cũng là một cơ hội tốt để chúng ta tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu,…

PV: Thưa ông, được biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã có rất nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất xanh. Xin ông có thể chia sẻ một số chính sách nổi bật, thưa ông?

TS. Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường:

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách tài chính nổi bật như các chính sách về thuế, phí và các công cụ kinh tế để giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất xanh. Ví dụ, Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 đã có quy định về mức thuế suất đảm bảo nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn đầu tư vào các dự án môi trường, khuôn khổ cho tài chính xanh ở Việt Nam đang dần hình thành và hệ thống tài chính đã có những tham gia tích cực vào chiến dịch xanh hóa nền kinh tế. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, ban hành Quyết định 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam,…

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan đã xây dựng và đang thực hiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh đối với 09 nhóm lĩnh vực. Khi Bộ tiêu chí này được ban hành, sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật rõ ràng cho các tổ chức tín dụng để cấp tín dụng xanh, các cá nhân và pháp nhân tham gia vào thị trường trái phiếu xanh; đồng thời, giúp các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong việc định hướng, hoạch định và điều hành các chính sách phát triển xanh.

Sản xuất xanh – Xu hướng và giải pháp phát triển ảnh 2

PV: Thưa ông, thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt còn gặp không ít khó khăn vướng mắc khi bắt đầu cuộc hành trình xanh hoá sản xuất. Theo ông, nguyên nhân của thực trạng này là do đâu?

TS. Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường:

Có một số rào cản đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ nhất,hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu nhiều quy định cụ thể, có tính luật hoá về các tiêu chí liên quan đến mức độ xanh hoá sản xuất như tiêu chí xác định doanh nghiệp xanh, tiêu chí về quy trình sản xuất xanh, tiêu chí về vật liệu xanh,… Do đó, mỗi doanh nghiệp cũng như là mỗi chuyên gia thì đều có những cách hiểu và vận dụng khác nhau nên đôi khi gây ra sự lúng túng cho các doanh nghiệp.

Thứ hai, một số doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, việc thực hiện xanh hóa cũng đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi; đổi mới công nghệ tái chế, tái sử dụng hiện đại; đòi hỏi doanh nghiệp phải đặt nhiều thời gian và công sức; phải huy động nguồn lực tài chính lớn và có lộ trình triển khai cụ thể. Điều này có thể dẫn đến tâm lý ngại chuyển đổi của lãnh đạo và một số bộ phận quản lý của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nguồn vốn tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp khắc phục hạn chế về tài chính. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận những nguồn vốn này. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này đó là bởi khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh vẫn chưa được bổ sung, hoàn thiện. Các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất để có thể áp dụng chung trên cả nước. Điều này dẫn tới khó khăn cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

PV: Thưa ông, theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để mô hình sản xuất xanh được lan toả rộng hơn trong cộng đồng doanh nghiệp?

TS. Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường:

Để chuyển đổi và phát triển sản xuất xanh được lan rộng, đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất để giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong định hướng chuyển đổi xanh của mình. Đặc biệt, cần phải có quy định riêng cho từng ngành bởi tính chất mỗi ngành là khác nhau. Đồng thời, khung pháp lý liên quan đến cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh cũng cần được sớm hoàn thiện để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn và để các tổ chức tín dụng có thể thuận lợi hơn trong công tác cấp tín dụng xanh. Bên cạnh đó, cần bổ sung những chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh.

Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp phải xác định việc chuyển đổi sản xuất xanh là phương thức duy nhất để phát triển bền vững. Nếu các doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý ngại thay đổi thì sẽ không thể đi xa được và có thể phải đối mặt với sự đào thải khi không cạnh tranh được với thị trường trong nước và cũng không thể xuất khẩu.

Về phía người tiêu dùng, người tiêu dùng cần ý thức rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên để nâng cao xu hướng sử dụng sản phẩm xanh, góp phần mở ra một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận và khai thác.

Xin cảm ơn ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.