Dịp đầu xuân Quý Mão 2023, Thành Đoàn Hải Phòng đã ra mắt Công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử - văn hóa”, tại 14 di tích lịch sử cấp thành phố.
Trong đó, Ban Thường vụ Thành Đoàn Hải Phòng cắt băng khánh thành tại Di tích lịch sử văn hóa Từ Lương Xâm (quận Hải An) và Di tích lịch sử chùa Đại Vĩnh (huyện Kiến Thụy).
Đồng thời, các Quận/Huyện Đoàn tại Hải Phòng cũng đồng loạt gắn mã QR tại 12 di tích lịch sử - văn hóa khác, gồm: Căng Máy Chai (quận Ngô Quyền), Bưu điện thành phố (quận Hồng Bàng), Chùa Phổ Chiếu (quận Lê Chân), Đền Vọng Hải (quận Dương Kinh), Đình Quy Tức (quận Kiến An), Chùa Hạ Trang và Đình Đại Trang (huyện An Lão), Đình Thượng (huyện Thủy Nguyên), Đình Nghĩa Lộ (huyện Cát Hải), Đền Tạ Ngoại (huyện Vĩnh Bảo), Đình Vật Cách Thượng (huyện An Dương) và Chùa Minh Thị (huyện Tiên Lãng).
Công trình thanh niên được triển khai nhằm truyền tải thông tin, giới thiệu về các địa chỉ đỏ, di tích có giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố thông qua việc lắp đặt mã phản hồi nhanh (QR Code).
Các hình ảnh, nội dung đều được phiên dịch song ngữ Việt – Anh. Đây là điểm nổi bật trong công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử - văn hóa” do đoàn thanh niên đảm nhận.
Thành Đoàn Hải Phòng ra mắt Công trình thanh niên "Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử - văn hóa" dịp đầu xuân Quý Mão 2023. |
Công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử - văn hóa” được triển khai qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, Đoàn Thanh niên các quận, huyện phối hợp với Phòng Văn hóa cùng cấp xây dựng nội dung thông tin, hình ảnh tuyên truyền về các địa chỉ đăng tải trên chuyên mục “Hai Phong Destination” thuộc website Thành Đoàn Hải Phòng.
Giai đoạn 2 và 3, triển khai lắp đặt QR Code tại 378 điểm di tích lịch sử cấp thành phố hoàn thành trước ngày 30/4 - 1/5/2025. Dự kiến, công trình triển khai tại 378 địa điểm di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp thành phố.
Chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác bảo tồn di tích, di sản sẽ là cầu nối đưa các di tích lịch sử - văn hóa đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội và góp phần quảng bá hình ảnh TP Hải Phòng.
Các đại biểu, đoàn viên thanh niên quét mã QR tại các di tích. |
Cũng nhân dịp đầu xuân, Thành đoàn Hải Phòng đã tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy). Tại buổi lễ phát động, Thành Đoàn Hải Phòng đã trồng 300 cây xanh (phượng vỹ, xà cừ) dọc tuyến đường xã.
"Tết trồng cây" tại TP Hải Phòng sẽ diễn ra tại các Quận/Huyện Đoàn và đoàn trực thuộc từ ngày 27/1-12/2. Dự kiến, trong dịp này, toàn thành phố sẽ trồng mới 15.000 cây xanh.
Riêng ngày đầu phát động, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn thành phố đồng loạt ra quân hưởng ứng lễ phát động và trồng hơn 5.000 cây xanh, thu hút gần 12.000 đoàn viên thanh niên tham gia.
Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực góp phần trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp cảnh quan thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố.
Một số hình ảnh hoạt động của tuổi trẻ Hải Phòng đầu xuân Quý Mão 2023:
Huyện Đoàn An Dương khánh thành công trình thanh niên, gắn mã QR Code tại di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. |
Nhiều đoàn viên, thanh thiếu nhi sử dụng điện thoại quét mã QR tìm hiểu các thông tin về di tích lịch sử - văn hóa. |
Các hình ảnh, nội dung đều được phiên dịch song ngữ Việt – Anh giúp người dân và du khách dễ dàng tìm hiểu thông tin di tích. |
Chị Vương Toàn Thu Thủy - Bí thư Thành Đoàn Hải Phòng phát biểu tại buổi Lễ phát động "Tết trồng cây" dịp đầu xuân Quý Mão 2023. |
Dịp này, toàn thành phố sẽ trồng mới 15.000 cây xanh. |