“Điều đó sẽ là bất hợp pháp,” một phó phát ngôn viên của chính phủ, Christiane Hoffmann, cho biết khi được hỏi liệu thiết bị quân sự có thể được chuyển giao cho Kiev mà không cần có sự chấp thuận trước của Đức hay không. “Cần sự chấp thuận của chính phủ liên bang. Đó là quy tắc.”
Tuy nhiên, Berlin tin rằng sẽ không có quốc gia nào tự ý chuyển vũ khí Đức cho Ukraine mà không thông qua nước này. Bà Hoffmann nói: “Đó không phải là điều khiến chúng tôi lo lắng. Tôi không nghĩ khả năng đó sẽ xảy ra.”
Theo chính phủ Đức, cho đến nay, cả Warsaw và Helsinki đều chưa tiếp cận Berlin để xin phê duyệt.
Bà Hoffmann cho biết Berlin đang “liên lạc thường xuyên về những điều đúng đắn cần làm” với các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác. Trong đó chủ yếu là các nước Mỹ, Pháp, Anh. Ngoài ra còn có Ba Lan và Tây Ban Nha.
Đầu tuần này, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã công bố kế hoạch của Warsaw về việc gửi một đội xe tăng Leopard tới Ukraine.
Tuyên bố của ông Duda được đưa ra vài ngày sau khi Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết Ba Lan sẽ chỉ làm như vậy như một phần trong nỗ lực của “liên minh các quốc gia rộng lớn hơn”. Ông cũng tuyên bố rằng các cuộc đàm phán với Đức "đang diễn ra”.
Phần Lan cũng cho biết nước này sẽ không đi đầu trong việc bàn giao xe tăng cho Ukraine. Theo người đứng đầu ủy ban quốc phòng của quốc hội Phần Lan, Antti Hakkanen, Helsinki sẽ chỉ gửi Leopard cho Kiev nếu một quyết định như vậy được đưa ra ở cấp độ châu Âu. Ngay cả trong trường hợp đó, ông cho biết đóng góp của Phần Lan sẽ là “nhỏ” vì nước này phải ưu tiên cho việc phòng thủ của chính mình.