Tại cuộc tọa đàm “giải pháp nào để xóa xe dù, bến cóc” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, sáng 23/11, tình trạng “bảo kê” cho “xe dù”, “bến cóc” lộng hành là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.
Theo các đại biểu, tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, nhất là ở Hà Nội, TP.HCM và ở một số tỉnh, thành phố lớn, vẫn như “nấm mọc sau mưa” mỗi dịp lễ, Tết, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đã gây ra nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đối với xã hội.
Các đại biểu tham dự cuộc tọa đàm |
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, hiện nay, sản lượng của các tuyến cố định đã giảm từ 35-40%, công suất của bến xe có giảm từ 18-30%. Nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang “chạy dù” nếu như tình trạng này không được giải quyết triệt để.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban TVQH cho biết, trước đây một lãnh đạo Hà Nội đã nêu rõ, không chỉ “bảo kê” nhà hàng, khách sạn, hay quán bia mà còn có tình trạng “bảo kê” cả những bến xe, bãi đỗ tự lập ra.
Trong khi đó, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ cho biết, thường tiếp nhận những thông tin liên quan đến xe dù, bến cóc từ phía người dân. Từ đó, có chỉ đạo, yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông xử lý. Cục cũng thường xuyên chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải, các lực lượng thanh tra giao thông ở các địa phương có các đợt cao điểm này. Theo báo cáo từ các Sở Giao thông vận tải, lũy kế đến hết ngày 15/11/2022, đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 14.843 phương tiện, thực hiện chấn chỉnh, nhắc nhở 76.857 phương tiện.
Bên cạnh đó, Cục cũng thường xuyên có báo cáo giao ban về công tác vận tải do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải trực tiếp phụ trách. Bộ trưởng cũng có giao ban trong công tác quản lý và xử lý xe dù, bến cóc.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, khi có hiện tượng “bảo kê”, lực lượng công an bằng các nghiệp vụ phát hiện ra, bên cạnh đó nhận qua tin báo tố giác của người dân. Khi nhận được những tin đó thì các lực lượng chức năng của Bộ Công an, ví dụ cảnh sát hình sự sẽ nắm bắt, xác minh, làm rõ để đảm bảo các hiện tượng đó được xử lý theo pháp luật.
Nhấn mạnh “xe dù”, “bến cóc” tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông hoặc là những nguy cơ vi phạm pháp luật khác, Thượng tá Minh cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và thường xuyên xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
“Để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm “xe dù”, “bến cóc” thì phải lắp đặt hệ thống camera giám sát. Chúng ta không có lực lượng để xử nóng, xử ngay trực tiếp lúc đó thì sẽ xử lý hành vi qua hình ảnh đã được ghi nhận lại để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông”, bà Minh nói.