Cơ quan y tế Trung Quốc ngày 14/11 báo cáo nước này vừa ghi nhận thêm tổng cộng 16.072 ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, tăng so với ngày 13/11 (14.761 ca) và là con số cao nhất kể từ ngày 25/4, khi Thượng Hải đang chống chọi với đợt bùng phát nghiêm trọng nhất.
Bắc Kinh, Trùng Khánh, Quảng Châu và Trịnh Châu đều ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày cao kỷ lục. Ở Bắc Kinh, con số này chỉ là 407 trường hợp, nhưng ở các thành phố khác, số ca mắc mới lên đến hàng nghìn (Quảng Châu 4.065 ca, Trịnh Châu 2.981 ca, Trùng Khánh 2.297 ca).
Tỷ lệ số ca bệnh ở Trung Quốc trên thực tế khá thấp so với thời kì đỉnh điểm của các quốc gia khác, nhưng việc Bắc Kinh kiên quyết xử lý các ổ dịch một cách triệt để theo chính sách “không khoan nhượng với COVID” đã làm tăng tác động lên nền kinh tế.
Hôm 11/11, Uỷ ban Y tế Quốc gia đã cập nhật các quy tắc kiểm soát COVID-19 nhằm “tối ưu hoá” việc phòng dịch và giảm bớt tác động đến cuộc sống của người dân.
Các khu vực công cộng và không gian lân cận nơi ghi nhận các ổ dịch vẫn có thể bị phong toả để ngăn chặn virus lây lan. Nhưng một số biện pháp khác đã được cập nhật theo hướng nới lỏng, ví dụ rút ngắn thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc gần (F1), bỏ quy định cách ly F2.
Các khu vực được coi là có nguy cơ bùng phát rộng hơn hiện được phân loại là “Nguy cơ cao" và “Nguy cơ thấp”, loại bỏ hạng mục “Nguy cơ trung bình" trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu số người bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát.
Bất chấp việc nới lỏng các quy định phòng dịch, nhiều chuyên gia cho rằng có thể đến đầu năm sau, Trung Quốc mới bắt đầu mở cửa trở lại.
Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ cho biết Bắc Kinh “có thể sẽ bắt đầu mở ra một giai đoạn mới sau 3 năm áp dụng chính sách không COVID” khi kết thúc kỳ họp Quốc hội vào tháng 3/2023, nếu tất cả các công tác chuẩn bị về y tế đã hoàn tất.