Một tình nguyện viên phát tờ rơi về cuộc trưng cầu dân ý ở Melitopol, Zaporozhye (Ukraine). Ảnh: Sputnik |
Các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga đã bắt đầu được tổ chức từ ngày 23/9 ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk (DPR và LPR) tự xưng, cũng như ở khu vực Kherson và Zaporozhye thuộc Ukraine. Quá trình bỏ phiếu sẽ kéo dài đến ngày 27/9.
Trước đó, ngày 20/9, các vùng lãnh thổ nói trên của Ukraine đồng loạt thông báo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga. Cùng ngày, chính quyền các địa phương thông qua quy chế và thủ tục bỏ phiếu.
DPR và LPR tự ly khai khỏi Kiev sau cuộc đảo chính năm 2014 và được Nga công nhận nền độc lập hồi tháng 2 vừa qua. Trong khi đó, Kherson và Zaporozhye vừa được quân đội Nga tiếp quản cách đây vài tháng, sau khi Nga khai màn chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Ukraine vẫn coi 2 nước cộng hòa tự xưng vùng Donbass cũng như Kherson và Zaporozhye là lãnh thổ nước này.
Không bỏ phiếu điện tử
Một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất trước cuộc trưng cầu dân ý là việc bỏ phiếu sẽ diễn ra như thế nào. Do thời gian gấp gáp và thiếu trang thiết bị kỹ thuật, ủy ban bầu cử các địa phương này quyết định sẽ không bỏ phiếu điện tử mà áp dụng hình thức truyền thống với phiếu giấy.
Người dân Novosibirsk (Nga) tuần hành ủng hộ các cuộc trưng cầu dân ý ở vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine. Ảnh: Sputnik |
Các quan sát viên
Cả 4 khu vực đều đặt mục tiêu tổ chức trưng cầu dân ý một cách minh bạch, hợp pháp, và sẵn sàng đón các quan sát viên quốc tế, theo Sputnik.
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử LPR - bà Elena Kravchenko cho biết hôm 21/9 rằng cơ quan của bà đang tiếp nhận đơn từ các quan sát viên nước ngoài. “Những lá đơn này đang được xem xét”, bà Kravchenko nói.
Ủy ban Bầu cử DPR cũng báo cáo họ chuẩn bị đón các quan sát viên nước ngoài, nhưng danh sách quan sát viên sẽ chỉ được công bố sau khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu.
Tại Kherson, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử - bà Marina Zakharova, cho biết lời mời đã được gửi đến "nhiều quốc gia".
Đảm bảo an ninh
Cho rằng quân đội Ukraine sẽ tăng cường pháo kích, các khu vực tổ chức trưng cầu dân ý đã chủ động áp dụng những biện pháp an ninh tăng cường.
Tại Zaporozhye, một nhà hoạt động cho biết “chế độ phòng vệ đã được kích hoạt dưới hình thức diễn tập, với sự hỗ trợ của các thiết bị hạng nặng”. Việc tăng cường khả năng phòng không cũng đã được lên kế hoạch.
Cảnh sát và lực lượng Vệ binh quốc gia Nga sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ các địa điểm bỏ phiếu ở Kherson.
Trước đó, trong bài phát biểu hôm 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ giúp đảm bảo an ninh của các cuộc trưng cầu dân ý để người dân có thể bày tỏ mong muốn của mình.
Kiev mạnh mẽ phản đối trưng cầu dân ý và khẳng định sẽ không công nhận kết quả bỏ phiếu. Quan chức Ukraine cảnh báo bất cứ công dân nào tham gia bỏ phiếu đều có thể sẽ bị truy tố.
Các bộ trưởng G7 và quan chức Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ trích kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý ở những vùng lãnh thổ ly khai thuộc Ukraine. Họ nói thêm rằng cuộc bỏ phiếu sẽ “không thể đảm bảo tự do, công bằng” trong khi lực lượng Nga hiện diện tại khu vực này.