Thời gian bỏ phiếu sẽ kéo dài từ 23/9 đến hết ngày 27/9. Kết quả sơ bộ dự kiến được công bố ngày 28/9. Cộng hòa Nhân dân Donetsk - DPR (tự xưng) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk - LPR (tự xưng) đã chủ trương ly khai khỏi Ukraine năm 2014. Hai vùng này chủ yếu nói tiếng Nga, và được Mátxcơva công nhận là các quốc gia độc lập vào tháng 2/2022, ngay trước khi khai màn chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nga đang kiểm soát phần lớn vùng Kherson và Zaporozhye của Ukraine. Khu vực do Nga kiểm soát ở Mykolaiv đã được hợp nhất với Kherson và cũng sẽ tổ chức trưng cầu ý dân. Cuộc bỏ phiếu diễn ra hai ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố quyết định huy động lực lượng dự bị.
Trong bài phát biểu hôm 21/9, ông Putin cam kết sẽ giúp đảm bảo an ninh của các cuộc trưng cầu ý dân để người dân có thể bày tỏ mong muốn của mình. Kiev mạnh mẽ phản đối việc này và khẳng định sẽ không công nhận kết quả bỏ phiếu.
Quan chức Ukraine cảnh báo bất cứ công dân nào tham gia bỏ phiếu đều có thể sẽ bị truy tố. Các bộ trưởng G7 và quan chức Liên minh châu Âu cũng chỉ trích kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân ở những vùng lãnh thổ ly khai thuộc Ukraine.
Tư lệnh Mỹ: Washington đối mặt nguy cơ chiến tranh hạt nhân
Ông Charles Richard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, tuyên bố, đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Washington phải đối mặt nguy cơ bùng phát xung đột hạt nhân với một đối thủ ngang hàng. Tại một hội nghị không quân ở bang Maryland, ông Richard phát biểu, Mỹ sẽ phải khẩn trương chuẩn bị để đối phó các đối thủ và bảo vệ đất nước mình.
“Tất cả chúng ta, những người ngồi trong căn phòng này, đang trở lại với công việc dự tính về xung đột vũ trang trực tiếp với một đối thủ có khả năng hạt nhân. Chúng ta đã không phải làm điều đó trong hơn 30 năm. Việc này không còn là trên lý thuyết nữa”, ông Richard nói, viện dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc.
Dưới góc nhìn của Nga, Mỹ đang vướng vào một cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine khi liên tục viện trợ vũ khí, tài chính và hỗ trợ tình báo cho Kiev. Học thuyết hạt nhân của Nga hiện chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp lãnh thổ, cơ sở hạ tầng của nước này bị tấn công hạt nhân, hoặc sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân, vũ khí thông thường.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo, Mỹ đang “đứng trên ranh giới” trở thành một bên trực tiếp trong cuộc xung đột ở Ukraine, và Washington có nguy cơ làm bùng phát “các cuộc chạm trán trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân”. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định, cuộc xung đột “đáng lẽ không nên xảy ra” này có thể sẽ “trở thành Thế chiến III”.