Phái đoàn IAEA rời nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phái đoàn từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc đã rời nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye do Nga kiểm soát ở Ukraine, hãng thông tấn Tass đưa tin ngày 5/9.
Phái đoàn IAEA rời nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ảnh 1

Phái đoàn IAEA đến Ukraine tuần trước. Ảnh: Twitter

Renat Karchaa, một chuyên gia hạt nhân người Nga đi cùng phái đoàn cho biết 2 thanh sát viên IAEA sẽ ở lại cơ sở. Tuần trước, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi – người cũng đã kiểm tra nhà máy – tuyên bố rằng cơ quan này sẽ “thiết lập sự hiện diện liên tục” ở Zaporozhye.

Theo kênh truyền hình Russia 24, IAEA sẽ công bố kết quả chuyến công tác vào thứ Ba, ngày 6/9. “Tất cả các kết luận của họ sẽ được phản ánh trong báo cáo, và ông Rafael Grossi sẽ đưa ra nhận xét của mình”, Russia 24 cho biết.

Đáng chú ý, đoàn công tác đã rời cơ sở sớm hơn dự kiến. Ông Vladimir Rogov, một thành viên của chính quyền quân sự-dân sự do Nga chỉ định, trước đó nói với RIA rằng các chuyên gia IAEA sẽ tiếp tục làm việc tại cơ sở này đến hết thứ Hai, trước khi rời đi vào thứ Ba, và thậm chí còn có thể kéo dài chuyến làm việc của mình.

Ở thời điểm đó, ông Rogov nói rằng phái đoàn “đã được cung cấp mọi sự hỗ trợ có thể". "Chúng tôi quan tâm đến một đánh giá khách quan về tình hình nhà máy Zaporozhye”.

Mục tiêu chính của phái đoàn IAEA là đánh giá tình trạng nhà máy Zaporozhye, trò chuyện với cả nhân viên Nga và Ukraine tại thực địa. Trong quá trình kiểm tra, ông Grossi xác nhận rằng nhà máy đã chịu một số thiệt hại, nhưng ông không cho biết các vụ tấn công là của Nga hay Ukraine.

Nga nói rằng Ukraine đã pháo kích nhà máy điện hạt nhân và cử đội biệt kích đến giành lại cơ sở này hôm 1/9 nhưng thất bại. Mátxcơva cũng cáo buộc Kiev sử dụng các thanh sát viên Liên Hợp Quốc làm “lá chắn cho con người”.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Nga từ tháng 3, không lâu sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine. Lực lượng an ninh Nga đã trực tiếp bảo vệ nhà máy, trong khi các nhân viên Ukraine tiếp tục làm việc bình thường.

Các quan chức Mỹ và Ukraine cáo buộc Nga sử dụng nhà máy làm vỏ bọc cho quân đội. Đáp lại, Mátxcơva khẳng định không giữ vũ khí hạng nặng, bao gồm cả pháo binh, trong nhà máy.

Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau về việc tấn công Zaporozhye, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân tương tự thảm họa Chernobyl năm 1986.

Theo RT
MỚI - NÓNG