“Rõ ràng là sự toàn vẹn của nhà máy đã bị tổn hại không ít lần, có thể do tình cờ hoặc cố ý, chúng tôi không có đủ bằng chứng để đánh giá điều đó. Nhưng đây là thực tế mà chúng tôi phải thừa nhận”, ông Grossi nói với các phóng viên hôm 2/9. “Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục lo lắng về nhà máy cho đến khi tình hình ổn định hơn và dễ đoán hơn.”
Ông Grossi đã dẫn đầu nhóm chuyên gia IAEA đến thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye hôm 1/9. Tổng giám đốc IAEA nói rằng ông đã “thấy rất nhiều” sau khi “đích thân kiểm tra một số khu vực quan trọng tại nhà máy, bao gồm hệ thống khẩn cấp, máy phát diesel và phòng điều khiển.”
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi trả lời báo giới sau ngày đầu tiên làm việc tại Zaporozhye. Ảnh: Reuters |
Ông Grossi đảm bảo với các phóng viên rằng các thanh sát viên “sẽ không đi đâu cả”, nhắc lại ý định của IAEA về việc thiết lập sự hiện diện thường xuyên tại nhà máy.
Quan chức này cho biết một số chuyên gia trong nhóm của ông sẽ ở lại nhà máy cho đến ngày 4 hoặc 5/9 để tiếp tục theo dõi tình hình và thu thập thêm dữ liệu cho báo cáo.
Nga nói rằng Ukraine đã pháo kích nhà máy điện hạt nhân và cử đội biệt kích đến giành lại cơ sở này hôm 1/9 nhưng thất bại. Mátxcơva cũng cáo buộc Kiev sử dụng các thanh sát viên Liên Hợp Quốc làm “lá chắn cho con người”.
Ông Grossi thừa nhận tình hình an ninh tại nhà máy khá phức tạp. “Có những thời điểm nhà máy hứng hỏa lực từ súng máy hạng nặng, pháo binh, súng cối. Có đôi lúc phái đoàn của Liên Hợp Quốc đã rất lo lắng”, ông Grossi nói, nhưng không cho biết các cuộc tấn công này đến từ lực lượng Nga hay Ukraine.
Phái đoàn của IAEA làm việc tại nhà máy. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Vỏ đạn tại nhà máy. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Phát biểu hôm 2/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết từ ngày 18/7, đã có 29 cuộc tấn công nhằm vào nhà máy Zaporozhye. Khoảng 120 quả đạn pháo và 16 máy bay không người lái cảm tử đã được sử dụng.
Ông Shoigu bác bỏ những tuyên bố của Kiev rằng lực lượng Nga đang sử dụng cơ sở này để tấn công các vị trí của quân đội Ukraine "bằng các hệ thống pháo tầm xa".
Bộ trưởng nói: “Tôi khẳng định với sự tự tin rằng chúng tôi không triển khai vũ khí hạng nặng tại nhà máy điện hạt nhân và các khu vực lân cận. Tôi hy vọng các thành viên phái đoàn IAEA sẽ có thể tận mắt xác nhận điều đó.”
Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Nga từ tháng 3, không lâu sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine. Lực lượng an ninh Nga đã trực tiếp bảo vệ nhà máy, trong khi các nhân viên Ukraine tiếp tục làm việc bình thường.
Các quan chức Mỹ và Ukraine cáo buộc Nga sử dụng nhà máy làm vỏ bọc cho quân đội. Đáp lại, Mátxcơva khẳng định không giữ vũ khí hạng nặng, bao gồm cả pháo binh, trong nhà máy.
Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau về việc tấn công Zaporozhye, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân tương tự thảm họa Chernobyl năm 1986.