Binh sĩ Nga canh gác tại nhà máy Zaporozhye. Ảnh: AP |
Trước khi khởi hành, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi nói với các phóng viên rằng đoàn thanh sát viên dự định ở lại nhà máy “vài ngày” và sẽ báo cáo sau
Trong khi đó, hôm 30/8, các quan chức địa phương (do Nga chỉ định) cho biết chuyến khảo sát của phái đoàn IAEA tại thành phố Energodar – nơi đặt nhà máy Zaporozhye – dự kiến sẽ kéo dài một ngày.
“Chương trình của chuyến công tác được sắp xếp để kéo dài một ngày. Họ sẽ phải xem xét các hoạt động của nhà máy trong một ngày. Đến thời điểm hiện tại, họ nói rằng mục đích của chuyến công tác là ‘làm quen với các hoạt động của nhà máy’. Chúng tôi coi đó là một khái niệm mơ hồ”, Evgeny Balitsky, quan chức chính quyền do Nga chỉ định ở Zaporozhye nói với hãng tin Interfax.
Ông Balitsky cho biết phái đoàn được cho là sẽ tiến vào vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát qua Vasilyevka, một thị trấn ở phía Đông nhà máy Zaporozhye và nằm không xa chiến tuyến.
Theo ông Balitsky, các chuyên gia có thể kiểm tra hai lò phản ứng đang hoạt động, khu vực chứa nhiên liệu đã qua sử dụng và hệ thống làm mát. Ông cũng cho biết các nhà chức trách có ý định cho nhóm chuyên gia thấy thiệt hại do các cuộc tấn công của pháo binh Ukraine nhằm vào nhà máy.
“Chúng tôi sẵn sàng chỉ ra nơi đạn pháo bắn trúng. Chúng tôi sẵn sàng cho họ thấy vỏ đạn, xác máy bay không người lái…”, ông Balitsky nói.
Trước đó, Tổng giám đốc IAEA Grossi cho biết mục tiêu của chuyến khảo sát là tìm hiểu những gì đang xảy ra tại nhà máy, đánh giá tính toàn vẹn của nhà máy, nói chuyện với cả nhân viên Nga và Ukraine, đồng thời thiết lập sự hiện diện thường trực trên thực địa.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Nga từ tháng 3, không lâu sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine. Lực lượng an ninh Nga đã trực tiếp bảo vệ nhà máy, trong khi các nhân viên Ukraine tiếp tục làm việc bình thường.
Các quan chức Mỹ và Ukraine cáo buộc Nga sử dụng nhà máy làm vỏ bọc cho quân đội. Đáp lại, Mátxcơva khẳng định không giữ vũ khí hạng nặng, bao gồm cả pháo binh, trong nhà máy.
Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau về việc tấn công Zaporozhye, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân tương tự thảm họa Chernobyl năm 1986.