Binh sĩ Nga canh gác nhà máy Zaporozhye. Ảnh: Sputnik |
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong đợt tiến quân đầu tiên, hai nhóm riêng biệt với tổng cộng 60 binh sĩ Ukraine đã sử dụng bảy chiếc xuồng cao tốc để băng qua hồ chứa Kakhovka và tập kết ở địa điểm cách nhà máy khoảng 3km về phía Đông Bắc vào sáng sớm.
Nhóm quân Ukraine cố gắng giành quyền kiểm soát nhà máy từ lực lượng Nga, nhưng lập tức bị chặn lại. Quân đội Nga đã triển khai các máy bay trực thăng tấn công để hỗ trợ các binh sĩ đang bảo vệ nhà máy.
Khoảng một giờ sau, quân đội Ukraine tiếp tục tiếp cận nhà máy từ phía Tây thành phố Energodar. Lực lượng Nga nhanh chóng tấn công và đánh chìm 2 tàu thủy chở nhóm quân đổ bộ chiến thuật của Ukraine.
Sau đó 2 giờ, pháo binh Ukraine nã đạn về phía một địa điểm ở gần Energodar.
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh: “Hành động khiêu khích của chính quyền Kiev được tiến hành nhằm ngăn cản chuyến thăm nhà máy Zaporozhye của phái đoàn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).”
Theo quan chức địa phương, ba binh sĩ Ukraine tham gia nỗ lực đánh chiếm nhà máy Zaporozhye đã bị bắt sống. Hai người trong số đó đã bị thương và đang trong tình trạng nguy kịch.
Cùng ngày, hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đến nhà máy Zaporozhye.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi trước đó nói với các phóng viên rằng đoàn thanh sát viên dự định ở lại nhà máy “vài ngày” và sẽ báo cáo sau.
Mục tiêu của chuyến khảo sát là tìm hiểu những gì đang xảy ra tại nhà máy, đánh giá tính toàn vẹn của nhà máy, nói chuyện với cả nhân viên Nga và Ukraine, đồng thời thiết lập sự hiện diện thường trực trên thực địa.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (thành phố Energodar) nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Nga từ tháng 3, không lâu sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine. Lực lượng an ninh Nga đã trực tiếp bảo vệ nhà máy, trong khi các nhân viên Ukraine tiếp tục làm việc bình thường.
Các quan chức Mỹ và Ukraine cáo buộc Nga sử dụng nhà máy làm vỏ bọc cho quân đội. Đáp lại, Mátxcơva khẳng định không giữ vũ khí hạng nặng, bao gồm cả pháo binh, trong nhà máy.
Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau về việc tấn công Zaporozhye, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân tương tự thảm họa Chernobyl năm 1986.