Theo UBND TPHCM, qua 1 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại 249 phường, việc bố trí số lượng công chức làm việc tại phường theo quy định hiện nay chưa phù hợp với khối lượng công việc và quy mô dân số, đặc điểm của từng địa phương trên địa bàn.
Hiện nay, bình quân mỗi cán bộ, công chức cấp phường đang phục vụ cho hơn 1.300 người dân. Việc bố trí số lượng công chức bình quân là 15 người/phường không đủ để đáp ứng nhu cầu giải quyết khối lượng công việc.
Tại những phường có dân số đông, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhiều... cán bộ, công chức còn phải tổ chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ngoài giờ làm việc từ 17h - 19h các ngày thứ ba, thứ năm trong tuần.
Người dân đến làm thủ tục tại UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. |
Từ những khó khăn trên, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 33/2021, từ bình quân 15 người/phường thành 17 người đối với các phường có 30.000 dân trở xuống.
Đối với phường có từ 30.000 dân trở lên, ngoài số lượng quy định, cứ tăng 15.000 dân được thêm 1 công chức.
Theo thống kê, tính đến ngày 31/12/2021, TPHCM có 90/249 phường có dân số từ 30.000 dân trở lên, trong đó 54 phường có dân số từ 30.000 dân đến dưới 50.000 dân, 21 phường có dân số từ 50.000 dân đến dưới 75.000 dân, 12 phường có dân số từ 75.000 dân đến dưới 100.000 dân và đặc biệt có 3 phường có dân số trên 100.000 dân là Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), Hiệp Thành (quận 12) và Bình Hưng Hòa A (Bình Tân).
Hiện nay, dân số bình quân mỗi phường tại TPHCM là hơn 28.000 người, gấp gần 1,9 lần theo quy định (15.000 dân). Bình quân mật độ dân số của địa phương này là hơn 14.000 người/km2. Tuy nhiên, các quận khu vực trung tâm có mật độ dân số lên tới 37.000 người/km2.
Theo thống kê của Sở Nội vụ TPHCM, tính từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022, TPHCM có 676 cán bộ, công chức và 5.501 viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng.
UBND TPHCM xác định một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc là do chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến, áp lực công việc...
Trước đó, chiều 23/6, đoàn công tác của Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TPHCM.
Tại buổi làm việc Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, hiện nay tổng số biên chế công chức Trung ương giao cho TPHCM là 10.869, nhưng thực tế con số theo Nghị quyết HĐND TPHCM là 14.470 (cao hơn 3.601 biên chế). Về biên chế viên chức, Trung ương giao 95.923, theo Nghị quyết HĐND TP là 99.985 (cao hơn 2.104 người so với con số Trung ương giao).
Theo ông Nhân, số lượng công chức, viên chức chênh lệch đều đang làm việc trên địa bàn, không phải dôi dư. Về nguyên nhân tăng thêm biên chế, ông Nhân cho rằng hiện nay do tình hình phát sinh dân số cơ học tại TPHCM khiến bệnh viện, trường học tăng theo hàng năm dẫn đến nhân sự bắt buộc phải tăng theo. Thành phố đã nhiều lần kiến nghị Trung ương công nhận số biên chế công chức mà HĐND TPHCM đã duyệt, nhưng chưa được chấp nhận.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng Sở Nội vụ TPHCM không chặt chẽ trong quản lý biên chế, thậm chí buông lỏng nên dẫn đến tình trạng “dôi dư”, do đó, thành phố sẽ phải giải trình, làm rõ nguyên nhân tại sao có sự chênh lệch giữa biên chế công chức thực tế và được giao, sau đó điều chỉnh hợp lý để vận hành chính quyền đô thị.