Khủng hoảng thiếu cán bộ cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
TP - Áp lực công việc lớn trong khi thu nhập thấp nên nhiều cán bộ công chức, viên chức xã phường nghỉ việc hàng loạt, khiến TPHCM thiếu cán bộ cơ sở trầm trọng.

Nhiều nơi Quá tải

Huyện Bình Chánh là địa phương đông dân số, trong đó Vĩnh Lộc A là xã đông dân nhất TPHCM, với trên 167.000 người. Tuy nhiên, hiện xã chỉ được giao 36 biên chế gồm 11 cán bộ, 11 công chức và 14 người hoạt động không chuyên trách.

Khủng hoảng thiếu cán bộ cơ sở ảnh 1

Người dân đến làm thủ tục tại UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, ngày 29/6

Bà Lại Thị Bích Trâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, cho biết do khối lượng công việc quá nhiều, cán bộ, công chức xã thường xuyên phải làm thêm việc, thêm giờ và cả những ngày nghỉ. “Từ tháng 3/2022, để giải quyết nhu cầu của người dân, xã đã kéo dài thời gian tiếp nhận hồ sơ của người dân vào thứ Ba và thứ Năm hàng tuần đến 18h30, thêm 1,5h so với quy định”- bà Trâm cho biết.

Theo một cán bộ xã Vĩnh Lộc A, mỗi ngày UBND xã tiếp nhận khoảng 350 hồ sơ hành chính, gồm địa chính - xây dựng, hộ tịch, sao y - chứng thực. Việc nhiều, cán bộ thiếu, cho nên người dân phải chờ hàng giờ chỉ để làm thủ tục. Do khối lượng công việc nhiều nên tất cả cán bộ ở xã hầu như không có thời gian cho gia đình hay cuộc sống riêng.

Theo UBND huyện Bình Chánh, tại xã Vĩnh Lộc A, một cán bộ sẽ phục vụ khoảng 7.476 người dân, hơn gấp 8 lần của xã, phường trung bình. Hiện xã Vĩnh Lộc A được bố trí bốn công chức địa chính. Nếu chia bình quân trên tổng số dân, mỗi cán bộ địa chính quản lý 35.000-40.000 dân. Trong khi, những công chức này không chỉ phụ trách các vấn đề đất đai, xây dựng mà còn phải gánh công việc như môi trường và các vấn đề phát sinh khác.

Lãnh đạo cũng xin thôi việc

Tại buổi làm việc giữa UBND TPHCM và đoàn của Bộ Nội vụ mới đây, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) cho biết, quy mô dân số của phường là 107.000 người, khối lượng công việc lớn, trong khi chỉ tiêu giao biên chế là 37 người nhưng hiện chỉ có 34 người, nên không đáp ứng được công việc. Theo ông Tuấn, do áp lực cao, khối lượng công việc lớn nên liên tục có tình trạng cán bộ nộp đơn xin nghỉ việc. Trong đó, có một Phó chủ tịch phường cũng xin nghỉ. “Cán bộ phường thường xuyên làm việc đến 20-21h và cả thứ Bảy, Chủ nhật. Nhiều người, buổi tối vẫn phải đưa con đến phường để vừa trông vừa làm việc. Có người 2-3 năm chưa nghỉ phép. Nhiều người đã xin nghỉ việc vì không đảm bảo sức khỏe”- ông Tuấn chia sẻ.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, số lượng dân cư của TP Thủ Đức lên tới 1,2 triệu người. Trong khi khối lượng công việc tăng lên, nhưng số lượng công chức, viên chức của thành phố lại giảm 30% so với trước khi thành lập. Ông Tùng kiến nghị cho phép địa phương này giữ nguyên số lượng công chức, viên chức tham mưu tại thời điểm thành lập. Đồng thời, ông kiến nghị xem xét tăng biên chế công chức bình quân làm việc theo Nghị định 33 từ 15 người lên 17 người, bổ sung 2 công chức tham mưu cho UBND các phường. Ngoài ra, cho phép ký hợp đồng ở một số vị trí để giảm sức ép cho các phường đông dân.

Vẫn “dôi dư” hơn 5.700 biên chế?

Cũng tại buổi làm việc kể trên với Bộ Nội vụ, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, hiện nay tổng số biên chế công chức Trung ương giao cho TPHCM là 10.869, nhưng thực tế con số theo Nghị quyết HĐND TPHCM là 14.470, cao hơn 3.601 biên chế. Về biên chế viên chức, Trung ương giao 95.923, theo Nghị quyết HĐND TPHCM là 99.985, cao hơn 2.104 người.

Lý giải về việc “dôi dư” công chức, viên chức, ông Nhân cho rằng, do tình hình phát sinh dân số cơ học tại TPHCM khiến bệnh viện, trường học tăng theo hàng năm, từ đó nhân sự cũng buộc phải tăng theo. Thành phố đã nhiều lần nêu kiến nghị Trung ương công nhận số biên chế công chức nhưng chưa được chấp nhận. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, ngoài vấn đề gia tăng dân số, TPHCM hiện nay có nhiều cơ quan mà địa phương khác không có. Ví dụ như đội quản lý trật tự đô thị, mỗi quận huyện khoảng 50 người thì 22 địa phương đã thêm gần 1.000 người; hay như Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng là mô hình duy nhất cả nước…

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc số lượng biên chế tại TPHCM chênh lệch so với số Trung ương giao là tồn tại lớn, phải có biện pháp giải quyết. Hiện TPHCM là địa phương duy nhất còn tồn tại công chức, viên chức dôi dư. Bộ trưởng Trà cho biết, sắp tới sẽ giao biên chế cho các địa phương nên thành phố sẽ phải giải trình, làm rõ nguyên nhân tại sao có sự chênh lệch giữa biên chế công chức thực tế và được giao, sau đó điều chỉnh hợp lý để vận hành chính quyền đô thị.

MỚI - NÓNG