Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh: Tass |
“Các khoản thuế thu được chỉ chiếm 40% ngân sách, hơn 60% trong số đó được chi trả cho quân sự. Mức thâm hụt hằng tháng của Ukraine lên đến 5 tỷ đô la”, ông Volodin nói. “Ukraine đã phá sản”.
Trước đó, tờ Wall Street Journal đã đưa ra những con số tương tự trong một bài báo đăng tải hôm 12/8.
Theo ý kiến của ông Volodin, “nếu không có sự giúp đỡ của Washington và Brussels, Kiev không còn có thể thực hiện nghĩa vụ của mình đối với các công dân".
“Ukraine đã mất đi sự độc lập về tài chính”, ông Volodin kết luận.
Trước đó cùng ngày, Chính phủ Ukraine ban hành dự thảo luật bãi bỏ thuế ưu đãi đối với nhiên liệu. Trên trang web của Quốc hội Ukraine đăng tải bài giải thích với nội dung nước này đang gặp phải tình trạng “thiếu hụt đáng kể nguồn vốn để tài trợ cho ngành đường bộ”. Do đó, luật bãi bỏ thuế ưu đãi được giới thiệu để tạo điều kiện cho nền kinh tế vận hành trơn tru trong thời kỳ thiết quân luật, và tăng thu ngân sách thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với RBC, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko nói rằng ngân sách năm tới sẽ “cực kỳ eo hẹp” do cuộc xung đột.
“Chúng tôi sẽ xem xét tất cả các khoản chi phí”, ông Marchenko nói.
Theo Oleg Ustenko, một cố vấn tổng thống về các vấn đề kinh tế, thâm hụt ngân sách nhà nước của Ukraine dự kiến sẽ lên tới 50 tỷ đô la vào cuối năm nay, tương đương khoảng 30-35% GDP của đất nước. “Đây là vấn đề của thời chiến”, ông nói.
Kiev trước đó từng tuyên bố sẽ cần 5 tỷ đô la viện trợ mỗi tháng từ các quốc gia thân thiết ở phương Tây. Tuy nhiên, ông Ustenko hồi tháng 7 cho biết Kiev sẽ cần thêm 4 tỷ đô la/tháng so với con số trên trong vòng 3 tháng tới để trang trải chi phí cung cấp chỗ tạm trú và sửa chữa nhà ở cho hàng triệu người, chi trả khoản thu nhập tối thiểu cơ bản cho những người đã mất việc làm.
Các khoản viện trợ và cho vay mà phương Tây cam kết cung cấp cho Ukraine đã đến chậm hơn nhiều so với dự kiến. Đến nay Liên minh châu Âu (EU) mới chỉ cung cấp 1 tỷ euro trong số 9 tỷ euro mà khối này hứa viện trợ cho Kiev. Đức thậm chí còn phản đối ý tưởng cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho Ukraine.
Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ đã thông báo hồi giữa tháng 7 rằng họ sẽ gửi thêm 1,7 tỷ đô la, nâng tổng số tiền mà cơ quan này gửi cho Ukraine lên 4 tỷ đô la.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Ukraine - Marchenko nói rằng dự kiến khoản viện trợ 3 tỷ đô la của Mỹ sẽ đến vào tháng 8, và thêm 1,5 tỷ đô la sẽ đến vào tháng 9.
Theo ông Marchenko, các khoản thanh toán là một phần của gói hỗ trợ tài chính 7,5 tỷ đô la đã được thỏa thuận và sẽ được sử dụng để tài trợ cho "các khoản chi tiêu quan trọng" như chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu.
Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko nói rằng ông “rất đau đầu” khi phải tiếp tục cân bằng giữa chi phí phát sinh từ cuộc xung đột với nguồn thu từ thuế giảm mạnh vì nền kinh tế bị vùi dập sau gần nửa năm gián đoạn.
Với khoảng 60% ngân sách đang được sử dụng để chi trả cho cuộc xung đột, Bộ trưởng Marchenko cho biết ông đã phải cắt giảm tất cả các khoản chi không cần thiết. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ, vì nguồn thu từ thuế chỉ đủ chi trả cho khoảng 40% chi tiêu của chính phủ.
Do thiếu ngân quỹ, Ngân hàng Trung ương Ukraine không còn cách nào khác ngoài phải in thêm tiền để chính phủ trả lương cho quân đội và mua vũ khí, đạn dược để tiếp tục chiến đấu.
Cách làm này đã khiến đồng hryvnia của Ukraine bị suy yếu, trong khi đồng tiền này vốn đã mất giá 30% kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine, khiến lạm phát tăng đột biến.
Nhưng theo Bộ trưởng Marchenko, sự hy sinh này là có thể chấp nhận được. “Chúng tôi cần phải lo lắng về việc giành chiến thắng. Thà rủi ro lạm phát cao còn hơn là không thể trả lương cho binh sĩ".
Ông cũng cho biết xung đột có thể sẽ còn kéo dài và điều này phải được tính đến. “Đây là một cuộc chiến tiêu hao, là một cuộc chạy marathon".