Sáng nay (7/7), Sở Xây dựng Yên Bái phối hợp với UBND huyện Mù Cang Chải đã tổ chức buổi công bố đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải.
Đồ án quy hoạch 5 tiểu vùng Mù Cang Chải cùng các trục giao thông trọng điểm. |
Đồ án xác định 3 trụ cột về phát triển bền vững gồm phát triển kinh tế hài hòa, giữ gìn cho tương lai và thúc đẩy cân bằng xã hội. Cùng với đó là 36 phương hướng cấu trúc thúc đẩy phát triển địa phương, nổi bật trong đó có những hướng đi như du lịch khinh khí cầu, du lịch mạo hiểm, trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật hay phát triển phong điện, thủy điện.
Ông Trần Quang Vinh - Phó Giám đốc sở Xây dựng công bố đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Hân Nguyễn. |
Trên tổng diện tích quy hoạch 1.197,8 km2, Mù Cang Chải sẽ được quy hoạch xây dựng và phát triển 5 tiểu vùng dựa trên đặc trưng lãnh thổ gồm: Tiểu vùng 1 là khu trung tâm dịch vụ đô thị, dịch vụ du lịch; Tiểu vùng 2 là vùng kinh tế năng lượng, dược liệu, thủy sản, nghỉ dưỡng hồ; Tiểu vùng 3 là vùng bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu và dự trữ sinh quyển, rừng; Tiểu vùng 4 là vùng trọng điểm phát triển du lịch mạo hiểm - nghỉ dưỡng tự nhiên và Tiểu vùng 5 là vùng kinh tế nông - lâm nghiệp đặc trưng của địa phương.
Ở Tiểu vùng 1 có diện tích 39,24 km2 có trung tâm tiểu vùng là thị trấn Mù Cang Chải và công trình trọng điểm là Trung tâm giới thiệu lịch sử tự nhiên - văn hóa Mù Cang Chải.
Tiều vùng 2 có diện tích 278,05 km2, trung tâm tiểu vùng là xã Khao Mang cùng công trình trọng điểm là trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (xã Lao Chải). Ngoài ra còn có trung tâm chế biến dược liệu xã Khao Mang.
Tiểu vùng 3 có diện tích 235,38 km2 với trung tâm tiểu vùng là xã Chế Tạo cùng công trình trọng điểm là trung tâm quan trắc - nghiên cứu khí hậu và cảnh báo thiên tai. Phát triển các loại hình du lịch thám hiểm rừng, du lịch khám phá.
Tiểu vùng 4 có diện tích 309,32 km2 với trung tâm tiểu vùng là xã Nậm Khắt, trung tâm liên xã Ngã Ba Kim. Nơi đây sẽ có công trình trọng điểm như trung tâm huấn luyện TDTT mạo hiểm Việt Nam (xã Cao Phạ); trung tâm dịch vụ vận tải - hậu cần du lịch trực thăng (xã Nậm Khắt) và đua xe địa hình (Xã Púng Luông).
Mù Cang Chải sở hữu danh thắng quốc gia ruộng bậc thang - điểm đến thu hút nhiều du khách đặc biệt là đồi mâm xôi La Pán Tẩn. |
Cuối cùng Tiểu vùng 5 có diện tích lớn nhất 335,90 km2 với trung tâm tiểu vùng xã Nậm Có và xã Chế Cu Nha. Công trình trọng điểm là trung tâm chế biến nông - lâm sản và phát triển nông nghiệp vùng cao (xã Nậm Có) và trung tâm du lịch Khinh khí cầu.
Ông Trần Quang Vinh - Phó giám đốc sở Xây dựng Yên Bái cho biết, sau hơn 1,5 năm nghiên cứu lập quy hoạch với sự nỗ lực của đơn vị tư vấn và sự hỗ trợ của các cơ quan địa phương, đến nay đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải đã hoàn thành, được thẩm định và được phê duyệt tại Quyết định số 935/QĐ-UBND ngày 20/6/2022 của UBND tỉnh Yên Bái.
Đồ án đã xây dựng hoàn chỉnh tầm nhìn, mục tiêu, khung định hướng phát triển không gian vùng, đồng thời tham vấn một số gợi mở, sáng kiến mới về phát triển KT-XH và quảng bá thương hiệu lãnh thổ.
Đồ án được phê duyệt là cơ sở để định hướng phát triển KT-XH, đặc biệt là chiến lược phát triển du lịch và quảng bá thương hiệu Mù Cang Chải, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng, đô thị và du lịch trên địa bàn huyện, nhằm sớm đưa huyện Mù Cang Chải trở thành huyện tiêu biểu và phát triển du lịch bền vững của Yên Bái trong tương lai.
Ông Nông Việt Yên - Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hân Nguyễn. |
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết Mù Cang Chải được thiên nhiên ban tặng cho không khí mát mẻ, có danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang, cùng truyền thống văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Tuy nhiên do giao thông đi lại còn khó khăn, huyện cùng tỉnh xác định định hướng phát triển xanh, biến khó khăn, bất lợi thành lợi thế phát triển. Đồ án được phê duyệt thông qua sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư đến với Mù Cang Chải.