Kỳ cuối:

Mù Cang Chải không xa: Còn hơn một điểm đến

Một cảnh trên đường đi Mù Cang Chải. Ảnh trong trang: Lê Xuân Sơn
Một cảnh trên đường đi Mù Cang Chải. Ảnh trong trang: Lê Xuân Sơn
TP - Tự thân Mù Cang Chải với sự giàu có về thiên nhiên, cảnh quan, văn hoá của mình giờ đã đủ sức thu hút du khách. Nhưng còn hơn thế, bởi cả tuyến hành trình lên huyện vùng cao có trên 90% dân số là đồng bào Mông ấy dày đặc những thứ để cho du khách có thể chiêm ngưỡng, trải nghiệm.

Trong câu chuyện với Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên, chúng tôi “quân sư quạt mo” cho anh rằng nên tham mưu cho tỉnh xây dựng hẳn tuyến du lịch từ TP Yên Bái lên Mù Cang Chải, khai thác thế mạnh cảnh quan, điều kiện thiên nhiên, văn hoá, lịch sử, ẩm thực… để tăng sự lựa chọn và đáp ứng thêm nhu cầu phong phú của du khách. Anh Yên hoàn toàn nhất trí và tâm đắc, nói rằng, đã có những điều kiện để làm việc đó. Du khách chỉ có 2 ngày cuối tuần thì có thể lên thẳng Mù Cang Chải, còn có 3-4 ngày trở lên thì chuyến đi kỳ thú hơn nhiều.

Mù Cang Chải không xa: Còn hơn một điểm đến ảnh 1 Các cô gái Thái Nghĩa Lộ trình diễn một điệu múa Khơ Mú 

Này nhé, đến TP Yên Bái, có thể đảo ra hồ Thác Bà, một hồ đẹp và đáng kể nữa là hồ thuỷ điện đầu tiên trên miền Bắc. Rồi giữa thành phố là khu di tích lịch sử cuộc khởi nghĩa Yên Bái, một cuộc khởi nghĩa hào sảng mà tiếng hô “Việt Nam vạn tuế” của người anh hùng Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí của ông trước khi lên máy chém còn vang vọng mãi trong lịch sử dân tộc.

 Ai yêu lịch sử, thơ và nhạc thì ra bến Âu Lâu trên sông Thao (đoạn sông Hồng ở đây). Bến sông xưa có cầu phao yết hầu vận tải chiến lược của ta lên vùng Tây Bắc phục vụ các chiến dịch, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ nên máy bay Pháp đã trút xuống đây tổng cộng 2.700 tấn bom đạn. Bến sông cực quan trọng trong kháng chiến chống Pháp này đi vào câu thơ nổi tiếng “Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu” của nhà thơ Lê Đạt và là địa điểm tạo cảm hứng cho nhà thơ Phan Văn Từ viết bài thơ “Nhịp cầu nối những bờ vui” được nhạc sĩ Văn An phổ nhạc thành bài hát cùng tên nổi tiếng, trong đó có những câu: “Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta/Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo/Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo”. Vết tích ác liệt một thời còn lại trong câu: “Những chiếc cầu ngày đêm bom dội/Vẫn nguyên vẹn đứng trong lửa khói”…

Đường từ Yên Bái lên Nghĩa Lộ sẽ qua một điểm dân cư mà có thể không dừng nhưng người có tuổi thì sẽ nhớ đến “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài và “Bài ca trên núi” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, còn người trẻ thì liên tưởng đến “Để Mỵ nói cho mà nghe” của Thịnh Kainz, Kata Trần, T-Bass do Hoàng Thuỳ Linh thể hiện. Địa điểm đó có tên là Mỵ.

Nghĩa Lộ, tức Mường Lò nổi tiếng, đứng thứ hai trong 4 thung lũng - cánh đồng lớn nhất cả vùng Tây Bắc: Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái),  Mường Than (Lai Châu), Mường Tấc (Sơn La). Một vùng văn hoá Thái đậm đặc trước khi du khách chuyển sang vùng văn hóa Mông Mù Cang Chải.

Mù Cang Chải không xa: Còn hơn một điểm đến ảnh 2 Du khách dừng ngắm dù lượn và chụp ảnh ở đỉnh đèo Khau Phạ 

Mường Lò đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hoà, sản vật phong phú, đặc biệt là phụ nữ rất đẹp. Du khách có thể dừng nghỉ lâu, thậm chí qua đêm ở đây để thăm thú cảnh vật, thưởng thức những món ăn độc đáo của người Thái, trong đó ngoài các món truyền thống nhiều người biết thì còn có nộm ngọn ban, hay rau Phắc Nam - mà giờ tên thông tục là rau thối - xào trứng (tên thế nhưng là món rất ngon). Tối, nhất thiết phải có điệu xoè của các cô gái Thái. Những người ưa lịch sử có thể thăm vết tích của đồn Pháp và trại giam (căng) Nghĩa Lộ mà Tô Hoài có nhắc đến trong “Vợ chồng A Phủ” và “Truyện Tây Bắc”.

Không xa Nghĩa Lộ là Vườn chè cổ Suối Giàng của huyện Văn Chấn. Nhiều gốc chè cổ tuổi vài ba trăm năm trong đó có “cụ” thọ nhất đến gần 400 năm. Hiện một gia đình người Mông đang quản vườn chè. Khá nhiều bạn trẻ thích vào đây để làm cái việc mà các bạn gọi là “check in” để “nuôi phây”.

Đi tiếp, ta bắt đầu lên con đèo dài đến hơn 30 cây số quanh co trên đường 32 xuyên từ huyện Văn Chấn lên qua cả Mù Cang Chải, đi qua một loạt danh thắng cực đẹp như Tú Lệ, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, thị trấn Mù Cang Chải… Đèo có tên là Khau Phạ, trong tiếng Thái có nghĩa là Sừng Trời do chỗ cao của nó khi trời sương mù vẫn nhô lên trên biển mây, sương như chiếc sừng. Đèo đi qua trùng điệp núi, hút sâu thung lũng và dĩ nhiên là vô vàn bức tranh đẹp mê người của ruộng bậc thang cheo leo sườn núi hay hun hút thung sâu sáng lấp loáng như gương vào mùa nước đổ và vàng rực vào vụ gặt.

Mù Cang Chải không xa: Còn hơn một điểm đến ảnh 3  
Mù Cang Chải không xa: Còn hơn một điểm đến ảnh 4 Những công trình điểm nhấn du lịch đang mọc lên ở  Mù Căng Chải. Ngôi nhà tre lớn nhất VN có điện tích sàn 3.000 m2 trên quả đồi 6 ha ở La Pán Tẩn đang được dựng. Ảnh Lê Xuân Sơn

Điểm dừng đầu tiên trên con đèo này là Tú Lệ, một nơi đẹp như tên gọi, với những ruộng bậc thang hiền lành của đồng bào Thái (khác với ruộng cheo leo hùng vĩ của đồng bào Mông), có suối nước nóng bản Chao mà nghe nói các cô gái Thái vẫn giữ tục tắm tiên (nói tắm tiên nhưng dĩ nhiên là họ kéo váy che hết ngực), nơi có giống nếp Tú Lệ độc nhất vô nhị làm cốm và xôi đất này vang danh khắp nước. Nhớ 7 năm trước, sau khi dự đêm Đại Xoè 2013 kỷ lục với mấy nghìn người tham dự vòng xoè, chúng tôi đã bỏ thời gian chạy tới Tú Lệ chỉ để thưởng thức thứ cốm và xôi vang tiếng này rồi trở về mãn nguyện.

Giờ ngay Tú Lệ đã mọc lên một khu du lịch đẳng cấp có tên Le Champ (Cánh Đồng) với 34 phòng khá sang trọng cộng một nhà cộng đồng 24 giường, có bể bơi vô cực cheo leo trên sườn núi nhìn xuống thung lũng bản Chao, có khu tắm nước nóng có cả bể bơi cộng đồng, lẫn bể ngâm phòng riêng. Nghỉ qua đêm ở đây cũng là một trải nghiệm kỳ thú.

Còn ngót 50 cây số nữa mới đến Mù Cang Chải. Phía trước là một điểm mà giới trẻ cực thích dừng để chụp ảnh gọi là đỉnh đèo Khau Phạ, nơi nhìn xuống cả một thung lũng mênh mông đẹp mê người, nơi vẫn thường tổ chức lễ hội dù lượn vào mùa lúa chín vàng, giờ đã thành thương hiệu.

Mù Cang Chải không xa: Còn hơn một điểm đến ảnh 5 Bể bơi vô cực của Khu du lịch Le Champ ở Tú Lệ. Ảnh Lê Xuân Sơn.

Trước khi đến La Pán Tẩn và thị trấn Mù Cang Chải, có một nơi đáng dừng nữa là Ngã ba Kim, một điểm dân cư sầm uất, có đường chạy sang Mường La của Sơn La, nơi có những hàng quán với những món ăn ngon đặc trưng của đồng bào Mông.

Đấy, những “món ghém” trên đường lên Mù Cang Chải thật ra cũng đã đủ no nê cho một chuyến đi. Cho nên nói Mù Cang Chải nghèo khó với 40,6% hộ nghèo năm 2019 (sẽ giảm xuống còn 33,12% khi hết năm nay) cũng đúng mà nói Mù Cang Chải cực giàu có cũng đúng. Mù Cang Chải sẽ giàu có nếu biết đánh thức tiềm năng du lịch. Và hình như người Mù Cang Chải đã nhìn ra, đã biết cách để làm “người đẹp ngủ trong rừng” này bừng tỉnh rồi.

Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên nói tỉnh Yên Bái đã đồng ý cho mời một nhà tư vấn Pháp vào làm quy hoạch du lịch cho Mù Cang Chải. Xong quy hoạch thì Mù Cang Chải sẽ phát triển rất nhanh. Chúng tôi gặp ở huyện một vị đại biểu Quốc hội nổi tiếng đưa lên giới thiệu cho Mù Cang Chải một nhà đầu tư tiềm năng. Người này nói có thể sẽ đầu tư khoảng 50 triệu đô la vào du lịch Mù Cang Chải. Tin rằng có không chỉ một nhà đầu tư như thế.

Mù Cang Chải không ngồi im đợi quy hoạch. Huyện đang tích cực triển khai thực hiện một số công việc. Trước hết là chuẩn bị nhân sự cho du lịch. Đã chấm một số trường để đầu tư dạy tiếng Anh. Đã chỉ đạo để các trường trong huyện thay vì cho học sinh tập thể dục giữa giờ thì dạy các em các điệu múa truyền thống của người Mông. Rồi dự định khai thác những điểm du lịch khác ngoài những ruộng bậc thang vốn đã giàu có và hút khách.

Mù Cang Chải có những rừng thông lớn, có những thảm hoa vàng mà bí thư đùa là hoa “trả nợ đời” (hoa của cây lá ngón) tuy nguy hiểm mà đẹp mê người; có mó nước Tà Cua nước màu đỏ mà những người hiếm muộn đến dựng lều để ở với niềm tin sẽ có đứa con bạc, con vàng; có những đỉnh núi nổi tiếng như Púng Luông cao 2.934 mét, hay đỉnh Lùng Cúng linh thiêng mà người Mông khi chết phải quay đầu về đó… Và nữa, phát triển các sản vật địa phương, ngoài những thứ truyền thống thì tập trung vào hai cây chủ lực: Sâm Tiết Trúc và Lan Kim Tuyến, những dược liệu có hoạt chất quý và có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại thảo quả, dược liệu khác.

Và giao thông thì điều mừng cho Mù Cang Chải là đang có các dự án các đường nối vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai  khiến cho đường lên Mù Cang Chải ngắn lại dăm bảy chục cây số.

Vậy đó, Mù Cang Chải xa xôi nghèo khó một thời không còn xa nữa. Không còn xa để có thể đến. Và tin chắc cũng không còn xa để đến cái ngày vụt lớn đổi thịt thay da.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.