An Giang: Sạt lở bờ sông Hậu, đe dọa quốc lộ 91 và 104 hộ dân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - An Giang vừa xuất hiện 2 đoạn sạt lở bờ sông Hậu cách quốc lộ 91 từ 2 - 30m, đe doạ cuộc sống của hàng trăm hộ dân và nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Ngày 30/6, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú.

Hai đoạn sạt lở thuộc khu vực triển khai thực hiện dự án Xử lý sạt lở khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua xã Vĩnh Thạnh Trung và Bình Mỹ (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang).

Đoạn thứ nhất được khảo sát có chiều dài 300m, từ cửa hàng vật liệu xây dựng 195 Long Xuyên đến nhà máy xay xát gạo Phương Đông, tiếp giáp với điểm cuối của công trình Kè xử lý sạt lở năm 2021 về hạ nguồn. Tại đây có 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh (lúa gạo, phân bón, xăng dầu, vật liệu xây dựng) với 100 lao động và 54 hộ dân với 227 nhân khẩu chưa có nơi bố trí di dời, vị trí sạt lở cách quốc lộ 91 khoảng 30m.

An Giang: Sạt lở bờ sông Hậu, đe dọa quốc lộ 91 và 104 hộ dân ảnh 1

Hiện trường vụ sạt lở.

Đoạn thứ hai dài 500m từ Trung tâm Y tế huyện Châu Phú đến khu vực bệnh viện tư nhân Huỳnh Trung Dũng, có 50 hộ với 210 hộ nhân khẩu chưa có nơi bố trí di dời, vị trí sạt lở cách quốc lộ 91 khoảng 2m.

Theo UBND tỉnh An Giang, từ năm 2010 đến nay, đã xảy ra 6 vụ sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, với tổng chiều dài 525m, làm ảnh hưởng đến 27 căn nhà cần di dời khẩn cấp. Năm 2021, có 25 hộ thuộc tổ 9 ấp Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) đã phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn khi sạt lở tại khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ngày 27/4/2022, tại tổ 15, 16 khóm Vĩnh Thuận (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) cũng xuất hiện đoạn sạt với chiều dài khoảng 200m, làm sụp 2 sàn bê tông, mái tol sau kho, khung tiền chế khiến 2 hộ dân nguy cơ ảnh hưởng phải di dời khẩn cấp.

Do đó, UBND tỉnh này đã công bố tình huống khẩn cấp; đồng thời, giao lãnh đạo huyện Châu Phú huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; kịp thời tổ chức cấp cứu nếu có người bị nạn, nhanh chóng sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm; cấp phát lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp người dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, ổn định đời sống trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả.

Bên cạnh đó, phải thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và huy động mọi nguồn lực để xử lý bước đầu hạn chế sạt lở.

MỚI - NÓNG