Kẽ hở pháp luật từ vụ lập nhóm công ty để vay vốn 'đảo nợ'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kéo dài nhiều năm, vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô) đã được đưa ra xét xử, hé lộ nhiều vấn đề bất cập trong lĩnh vực ngân hàng.

Như Tiền Phong đã đưa tin, TAND TP Cần Thơ vừa đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Minh Chuyển (cựu Giám đốc VCB Tây Đô) cùng 14 bị cáo khác là cán bộ ngân hàng và doanh nghiệp.

Cáo trạng quy kết, trong vụ án này, Chuyển là người chủ mưu, cầm đầu, với cương vị là giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng cơ sở VCB Tây Đô, để che giấu nợ xấu của 6 nhóm doanh nghiệp. Chuyển đã thỏa thuận trái pháp luật với các nhóm chủ doanh nghiệp, cho vay để đảo nợ, một phần sử dụng để sản xuất kinh doanh gây thiệt hại cho VCB Tây Đô hơn 278 tỉ đồng.

Kẽ hở pháp luật từ vụ lập nhóm công ty để vay vốn 'đảo nợ' ảnh 1

Bị cáo Chuyển - Ảnh: Kim Hà.

Từ vụ án nêu trên, trao đổi với Tiền Phong xung quanh hoạt động "đảo nợ", luật sư Phan Trung Hoài – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: Đây là vấn đề trong thực tế tương đối phổ biến nhưng khuôn khổ pháp luật để điều chỉnh thì không theo kịp với thực tế. Vì vậy, thuật ngữ "đảo nợ" theo diễn giải về ngữ nghĩa là cho giải ngân hợp đồng mới để trả nợ cho hợp đồng cũ.

Kẽ hở pháp luật từ vụ lập nhóm công ty để vay vốn 'đảo nợ' ảnh 2

Các bị cáo tại phiên toà - Ảnh: Kim Hà.

Vẫn theo luật sư Hoài, mặc dù Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm nhưng quy định pháp lý chưa rõ ràng. Điển hình tại Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước không chỉ đích danh khái niệm "đảo nợ" nhưng trên thực tế lại cho phép 3 trường hợp được sử dụng các quan hệ tín dụng mới để thanh toán các khoản nợ cũ nếu nó phục vụ sản xuất, kinh doanh.

"Do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động của các doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Từ đó dẫn đến việc, nếu không cho vay tiếp để có dòng tiền cho các doanh nghiệp thực hiện duy trì hoạt động sản xuất thì doanh nghiệp sẽ phá sản và ngân hàng cũng mất luôn các nguồn tiền đã cho vay trước kia. Đây gọi là giải pháp tình thế, mặc dù pháp luật nghiêm cấm việc đảo nợ nhưng thực tế vẫn xảy ra. Và việc đảo nợ và xử lí dòng tiền, thông thường chi nhánh muốn xử lí bao giờ phía hội sở cũng phải biết, vì còn nhiều thủ tục khác nữa” - luật sư Hoài phân tích.

Kẽ hở pháp luật từ vụ lập nhóm công ty để vay vốn 'đảo nợ' ảnh 3

Phiên toà dự kiến sẽ xét xử trong 7 ngày - Ảnh: Kim Hà.

Vạch thủ đoạn 'làm sạch' báo cáo tài chính

Nói về việc thành lập công ty rồi nhờ gia đình người thân, thậm chí là nhân viên, công nhân... để làm đại diện pháp luật, luật sư cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Vốn điều lệ thì theo nguyên tắc là ai góp vốn thì tự chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, mỗi hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp luôn có giới hạn về hạn mức nhưng do nhu cầu nguồn vốn kinh doanh lớn hơn thì phải thành lập các doanh nghiệp. Để có được dòng tiền giải ngân nên họ lập nhóm công ty do gia đình, người thân đứng tên.

Nhiều trường hợp cơ quan tố tụng không xử lí trách nhiệm hình sự đối với những người đứng tên đó, chỉ xử lí những người chịu trách nhiệm chính là chủ doanh nghiệp. "Đó là một thực tế về câu chuyện pháp lí hiện nay, là biện pháp mà các doanh nghiệp xử lí trong các quan hệ tín dụng” - luật sư Hoài chia sẻ.

Đáng chú ý, luật sư cho rằng, các công ty thành lập theo kiểu như thế sẽ có vấn đề về hồ sơ, pháp lí, năng lực. Các ngân hàng phải thiết lập một báo cáo tài chính cho “sạch sẽ”, phải có năng lực, pháp nhân, hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc báo cáo tài chính chắc chắn sẽ có sai lệch, không đúng sự thật. Trên báo cáo tài chính, hồ sơ pháp lí trông rất sạch sẽ, rõ ràng như: Có lợi nhuận, có khai báo thuế,... nhưng thực tế có thể là không hoạt động hoặc hoạt động thua lỗ và được coi là giả mạo, không đúng sự thật.

Các quy định của Ngân hàng Nhà nước rất chặt chẽ nhưng trong thực tế, ví dụ như bất động sản thì phải định giá, nếu cơ quan nào tiêu cực thì sẽ đẩy định giá lên cao nhằm cân đối hạn mức tín dụng, còn định giá đúng thực tế thì lại không đáp ứng. Do đó, xảy ra nhiều bất cập trong thực tế, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tài sản thế chấp.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...