Tiếp tục chơi thế này, điều gì chờ đợi U23 Việt Nam phía trước?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - U23 Việt Nam đã trút được gánh nặng ngàn cân sau chiến thắng cực nhọc trước Myanmar, nhưng sự lo lắng vẫn còn đó, thậm chí nhiều hơn.
Tiếp tục chơi thế này, điều gì chờ đợi U23 Việt Nam phía trước? ảnh 1

Ngửa mặt lên trời nhưng đôi mắt nhắm nghiền, Đỗ Hùng Dũng hét lớn với hai bàn tay nắm chặt hằn lên những đường gân. Bao nhiêu sự bực bội, áp lực đè nặng cuối cùng đã được giải tỏa sau cú đặt lòng chính xác vào góc xa. Ngay cả khi màn ăn mừng kết thúc và cả đội trở lại phần sân nhà để tiếp tục trận đấu, người đội trưởng vẫn giơ tay lên trời như một sự hàm ơn. Cuối cùng thì U23 Việt Nam cũng ghi bàn thắng, sau 90 phút cố gắng đến tuyệt vọng trước Philippines và 75 phút tiếp tục ức chế với Myanmar.

Không ai có thể tưởng tượng đội quân của HLV Park Hang-seo lại chật vật đến vậy trong chiến dịch bảo vệ tấm huy chương Vàng SEA Games. Lại càng khó hiểu hơn khi họ đã có một khởi đầu hoàn hảo trước Indonesia. Chiến thắng 3-0 ấy củng cố niềm tin vào chất lượng thế hệ U23 hiện tại và mở ra kỳ vọng lớn lao. Thế nhưng ngay sau đó, họ rơi vào bế tắc cùng cực, khó khăn cùng cực.

Như đã thấy, chúng ta đã phải chờ rất lâu mới có thể ghi bàn vào lưới Myanmar, đội từng bị Timor-Leste chọc thủng lưới tới 2 lần, sau đó tiếp tục bị Philippines làm điều tương tự. Nhưng chưa hết, sau khi có được bàn phá vỡ thế bế tắc, mọi chuyện với U23 Việt Nam không hề dễ dàng hơn. Các hậu vệ đã phải lăn xả, nhiều lần lao mình phá bóng chấp nhận chấn thương những mong bảo toàn tỷ số.

Tiếp tục chơi thế này, điều gì chờ đợi U23 Việt Nam phía trước? ảnh 2

U23 Việt Nam đã có trận khổ chiến với Myanmar. (Ảnh: Trọng Tài)

Bước vào giải đấu với tư cách đương kim vô địch, lại là chủ nhà và được tiếp thêm năng lượng từ sự cổ vũ cuồng nhiệt của người hâm mộ, U23 Việt Nam đương nhiên biết các đối thủ sẽ mang tới những gì. Vấn đề là chúng ta có ít giải pháp cho điều đó.

Đối mặt với hàng thủ tập trung, kỷ luật và pressing rát, đội quân của HLV Park Hang-seo không tạo ra nhiều pha bóng chất lượng ở khu vực 1/3 sân đối lập, thiếu tính đột biến và sự sáng tạo. Vậy nên cầm bóng áp đảo, chúng ta không thể cụ thể hóa ưu thế đó bằng bàn thắng. Đường chọc khe thông minh của Hoàng Đức, tình huống thoát xuống kéo theo toàn bộ hàng thủ Myanmar của Lê Văn Đô, sau đó đặt Hùng Dũng vào không gian trống trải để dứt điểm thành bàn là một pha tấn công xuất sắc, song nó không diễn ra một cách thường xuyên.

Giờ thì nỗi sợ hãi đã qua. 7 điểm sau 3 trận khiến U23 Việt Nam chễm chệ ngôi đầu bảng A và chắc chắn giữ vững vị trí bởi chỉ phải gặp Timor Leste ở trận đấu cuối. Tuy nhiên khoảng thời gian dễ chịu sẽ sớm kết thúc khi bước vào tứ kết. Cục diện bảng B rất khó lường và đối thủ của chúng ta chưa lộ diện. Rắc rối là đội bóng nào cũng có thể mang tới âu lo cho U23 Việt Nam.

Tiếp tục chơi thế này, điều gì chờ đợi U23 Việt Nam phía trước? ảnh 3

Hàng phòng ngự số đông và kỷ luật đang là thách thức với U23 Việt Nam. (Ảnh: Trọng Tài)

Những gì đã thể hiện cho thấy đội quân của HLV Park Hang-seo có rất nhiều điều phải cải thiện, từ tâm lý thi đấu đến khả năng kết liễu đối thủ. U23 Việt Nam đang dựa rất nhiều vào các cầu thủ quá tuổi. Sau chiến thắng trước Indonesia, một lần nữa Hoàng Đức, Hùng Dũng lại cho thấy giá trị thông qua trí thông minh và sự điềm tĩnh.

Song không phải lúc nào các đàn anh cũng lên tiếng để tháo gỡ khó khăn. Như trận hòa Philippines, khi sự mệt mỏi thắng thế họ đã không thể làm gì, và U23 Việt Nam rơi vào tình trạng không lối thoát. Hoặc sau trận đấu với Myanmar, chính HLV Park Hang-seo đã thừa nhận các học trò chơi không tốt trong cả hai hiệp đấu với nhiều đường chuyền hỏng và di chuyển thiếu mượt mà.

Giống lần trước, chiến lược gia người Hàn Quốc lại nói về việc các học trò sẽ phải rút ra “bài học” sau màn trình diễn không ưng ý. Vậy cần bao nhiều bài học nữa họ mới thực sự trưởng thành, và họ có trưởng thành kịp không khi các đối thủ như Thái Lan hay Malaysia đều mạnh lên sau mỗi trận?

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.