Cậu bé Tr.M.Th, (6 tuổi, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) có khuôn mặt sáng, đặc biệt là đôi mắt to tròn rất dễ thương. Mới gặp ai cũng phải khen bé đẹp như tranh vẽ. Nhưng chỉ 5-10 phút tiếp xúc sẽ choáng bởi cậu nghịch ngợm, chạy nhảy không biết mệt mỏi.
Thăm khám cho trẻ bị rối loạn tăng động, giảm chú ý |
Bước vào lớp 1, Th. thường xuyên không tập trung chú ý và kiên nhẫn để hoàn thành bài tập. Thi thoảng cậu bé lại cười sằng sặc hoặc hét toáng lên. Lúc đầu gia đình nghĩ do con hiếu động nên vậy, nhưng sau đó nhiều người khuyên nên cho Th. đi khám. Các bác sĩ cho biết những hành động của cậu bé là biểu hiện của ADHD - một rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ nhỏ từ 3 - 11 tuổi.
Bệnh nhi Trần Ánh D. (11 tuổi ở Hà Nội) được gia đình đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần cũng với lí do nghịch không biết mệt. Thậm chí, gia đình đã phải thuê tới 2 người giúp việc trông coi, chăm sóc D. nhưng họ đều xin nghỉ vì không chịu nổi những trò nghịch của cậu bé như tự dùng gạch đập vào mặt mình… Sau hơn 2 năm được bác sỹ điều trị, hiện tình trạng tăng động giảm chú ý của D. được cải thiện đáng kể.
ADHD là một rối loạn bao gồm suy giảm sự tập trung chú ý, hoạt động thái quá và hấp tấp, bốc đồng. Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ mắc tăng động giảm chú ý dao động từ 3,2 - 9,3% và trẻ tăng động giảm chú ý có kèm những rối loạn đồng diễn là 67%. Thạc sĩ, bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, ADHD thường gặp ở trẻ em trai hơn trẻ em gái. Trẻ mắc chứng ADHD bắt đầu phát triển triệu chứng trước khi lên 7 tuổi.
“ADHD là một trong những rối loạn thần kinh phổ biến, có biểu hiện đôi khi khác nhau giữa các giai đoạn phát triển của cá thể, nhưng lại có khi khá tương đồng với một số rối loạn phát triển thần kinh, hay rối loạn tâm thần khác”, bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên, Trưởng khoa Khám Tâm lí - Tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần TPHCM) chia sẻ trong bài báo “Những thách thức trong chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý”.
Phát hiện và điều trị sớm
Bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Phó Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết, 67% trẻ ADHD có ít nhất 1 rối loạn đồng diễn, trong đó có 16% có 2 rối loạn đồng diễn và 18 % có từ 3 rối loạn đồng diễn trở lên. Theo bác sĩ Hương, ở tuổi đi học, ADHD có thể gồm các rối loạn đồng diễn như khuyết tật trí tuệ, các rối loạn lo âu, rối loạn vận động, rối loạn trầm cảm, rối loạn thách thức chống đối, rối loạn cư xử. Tuổi vị thành niên ADHD đi kèm khuyết tật trí tuệ, các rối loạn âu lo, rối loạn vận động, rối loạn trầm cảm, rối loạn thách thức chống đối, rối loạn cư xử, rối loạn lưỡng cực.
Mặc dù không quá nguy hiểm, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tâm lí, hành vi và chất lượng cuộc sống của trẻ. Cụ thể, trẻ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và ứng xử với mọi người, kết quả học tập ngày càng sa sút, từ đó dễ bị bạn bè xa lánh, trêu chọc. Hoặc trẻ gặp các rối loạn tâm lí như lo âu, căng thẳng, dễ thất vọng, tự ti về bản thân, trẻ dần cô lập với xã hội và rơi vào tình trạng trầm cảm. Khi trưởng thành, có nguy cơ cao lạm dụng các chất kích thích, sa ngã vào các tệ nạn xã hội so với trẻ bình thường.
Hơn 50% bệnh nhân trẻ em được chẩn đoán ADHD tiếp tục có những biểu hiện triệu chứng trong suốt thời kì thanh thiếu niên và hơn một nửa có những suy giảm chức năng xã hội ở tuổi trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ có những dấu hiệu tăng động giảm chú ý đến các chuyên khoa Tâm thần Nhi khám và điều trị sớm để trẻ ADHD được can thiệp và giúp đỡ sớm. Thời gian tối thiểu để bệnh nhân uống thuốc điều trị bệnh là 12 tháng. Tuy nhiên, một trong những sai lầm phổ biến của các gia đình là tự ý ngưng điều trị, dẫn đến trẻ tái phát triệu chứng, để lại hậu quả nghiêm trọng và khó khắc phục.