Hiện trường vụ phá rừng tại huyện Ea Súp |
Ngày 25/4, trả lời Tiền Phong về trách nhiệm người đứng đầu khi để rừng trên địa bàn quản lý bị phá (hơn 382 héc-ta, thuộc UBND xã Ya Tờ Mốt quản lý), ông Nguyễn Thiên Văn - Bí thư Huyện ủy Ea Súp (Đắk Lắk), cho biết đã nhận khuyết điểm đối với vai trò của tập thể ban thường vụ và cá nhân trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo.
Lãnh đạo huyện Ea Súp cho biết đã yêu cầu các cán bộ, đảng viên liên quan đến vụ việc báo cáo, giải trình. Huyện cũng đang kiểm tra dấu hiệu vi phạm của một số tập thể, cá nhân.
“Chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề đáng lưu tâm. Từ năm 2019 đến nay có 58 cán bộ, nhân viên cấp huyện không đủ điều kiện bổ nhiệm hoặc vi phạm phải cho nghỉ việc”, ông Văn thông tin.
Một góc rừng sản xuất tại huyện Lắk bị phá, lấn chiếm |
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Ea Súp, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn gặp không ít khó khăn do địa bàn rộng, diện tích rừng lớn; nhân lực hạn chế, nhiều cán bộ không chuyên trách; sự phối hợp tuần tra, quản lý bảo vệ rừng giữa chủ rừng và chính quyền cấp xã chưa thường xuyên, hiệu quả.
Đáng chú ý, theo ông Văn, kinh phí bảo vệ rừng rất thiếu. Năm 2019-2020, mỗi xã trên địa bàn được UBND huyện hỗ trợ 10 triệu/tháng (duy trì từ 6-8 tháng) để tuần tra, quản lý bảo vệ rừng và an ninh trật tự; đến năm 2020-2021, UBND tỉnh mới hỗ trợ 100.000đ/héc-ta/năm/xã.
Tại huyện Lắk cũng có hơn 74,6 héc-ta rừng sản xuất bị phá, lấn chiếm. Trong đó, 63,7 héc-ta thuộc quản lý của Cty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai- chi nhánh Đắk Lắk (Cty Tân Mai), còn lại thuộc UBND xã Đắk Phơi.
Trở thành Bí thư Huyện ủy Lắk thông qua cuộc tuyển chọn do Tỉnh ủy tổ chức năm 2020, ông Võ Ngọc Tuyên chia sẻ rất quan tâm đến công tác bảo vệ rừng. Theo ông Tuyên, từ tháng 3 trở lại đây rừng sản xuất nằm trên địa phận xã Đắk Phơi bị phá với diện tích lớn, trong đó có phần đã giao Cty Tân Mai.
Ông Nay Y Phú - Chủ tịch UBND huyện Lắk, cho biết huyện đã giao công an phối hợp Hạt Kiểm lâm vào cuộc điều tra vụ việc. Theo ông Nay Y Phú, trách nhiệm đã được quy định cụ thể đối với chủ rừng; bản thân ông chịu một phần trong chỉ đạo, quản lý.
UBND huyện Lắk đã yêu cầu công an vào cuộc xác minh, điều tra vụ phá rừng |
Theo nguồn tin của Tiền Phong, vụ phá rừng tại huyện Lắk có liên quan đến nhân viên của một doanh nghiệp thuê người vào chặt phá. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Cty Tân Mai thông tin, thời gian qua, công ty phát hiện nhóm người vào khu vực đất rừng do công ty quản lý để chặt phá, phát dọn nhằm lấn chiếm. Bảo vệ công ty đã thuyết phục, tuyên truyền nhưng tình hình không thuyên giảm. Vị này cũng bác bỏ thông tin nhân viên của công ty thuê người dân vào phá rừng khu vực trên.